Nâng cao tính minh bạch, giải trình

Theo bà Nguyễn Hồng Vân - Vụ trưởng Vụ Tài chính - kế toán (Ngân hàng Nhà nước), ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp (DN) và phải tuân thủ theo quyết định của Bộ Tài chính về chế độ tài chính, kế toán. Ngân hàng cũng phải phải nắm được việc thực hiện IFRS của các DN nói chung, vì DN là khách hàng của ngân hàng, nên phải hiểu được báo cáo tài chính của các DN để xếp hạng tín nhiệm DN, từ đó quyết định cấp tín dụng và các dịch vụ tài chính kèm theo.

Ngân hàng “nhẹ gánh” trước quyết định cấp tín dụng
Với tổ chức tín dụng như ngân hàng, hoặc bất kỳ doanh nghiệp nào thì tính minh bạch là rất quan trọng, với việc áp dụng IFRS 9.

Phân tích những lợi ích của việc áp dụng IFRS đối với ngành ngân hàng, bà Vân cho biết, với ngành ngân hàng, chuẩn mực quan trọng và ảnh hưởng nhất là công cụ số 9 (IFRS 9). Định giá các công cụ tài chính chiếm đến 90% tài sản của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Tuân thủ IFRS 9 thì các ngân hàng sẽ có thể tính toán khả năng chịu đựng được các tổn thất tín dụng trong các biến động kinh tế vĩ mô và như vậy chuẩn bị cho một quá trình phát triển ổn định, bền vững, lâu dài.

Cũng theo bà Vân, với các ngân hàng và tổ chức tín dụng thì nguồn vốn huy động từ nước ngoài là nguồn vốn kinh doanh rất quan trọng. Nếu các ngân hàng và tổ chức tín dụng tuân thủ IFRS thì những điều kiện có thể gọi nguồn vốn từ thị trường quốc tế sẽ rất nhanh chóng, dễ dàng và với chi phí rẻ nhất.

Từ góc độ một đơn vị đã áp dụng và chuyển đổi IFRS, ông Ngô Quang Trung - Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt chia sẻ, thay đổi lớn của áp dụng IFRS 9 là ngân hàng phải áp dụng các mô hình dự báo trong phân loại tài sản, dự báo về mức độ rủi ro của tài sản, nhất là các khoản tín dụng và các khoản trích lập dự phòng rủi ro kéo theo. Thay đổi lớn này sẽ mang lại 3 lợi ích lớn cho các ngân hàng.

Theo đó, với tổ chức tín dụng như ngân hàng, hoặc bất kỳ DN nào thì tính minh bạch là rất quan trọng, với việc áp dụng IFRS 9, ngân hàng sẽ trở thành tổ chức có tính minh bạch cao hơn rất nhiều trong mắt nhà đầu tư, trong mắt khách hàng, cũng như thị trường.

Lợi ích thứ 2 là khi áp dụng IFRS 9 thì buộc ngân hàng phải có tính chủ động cao hơn trong việc lựa chọn các mô hình kinh doanh, xác định các đặc tính của những sản phẩm trọng yếu và theo đó, sẽ quản lý một cách hiệu quả hơn hoạt động kinh doanh, cũng như hoạch định vốn cho ngân hàng.

Lợi ích thứ 3 là khi áp dụng nền tảng IFRS 9 thông suốt ngân hàng sẽ phải thay đổi mô hình phối hợp giữa các bộ phận liên quan, từ kinh doanh đến quản lý rủi ro và tài chính trên một nền tảng thống nhất mà IFRS 9 đã hình thành.

Các ngân hàng cần gì để áp dụng thành công?

Chia sẻ kinh nghiệm về hành trình chuyển đổi IFRS, ông Trung cho biết, trước hết, ban lãnh đạo cần chủ động, quyết tâm và ngay lập tức đặt ra những lộ trình và những mốc trọng yếu trong quá trình triển khai.

Theo đó, Ngân hàng Bản Việt đã xây dựng những nguồn lực ban đầu (nhân lực, kinh phí, công nghệ) để sẵn sàng cho triển khai dự án này, trong đó thành lập ban chỉ đạo, nhóm triển khai theo từng modul khởi đầu. Tiếp đó là triển khai đánh giá sự cần thiết và những yêu cầu đặt ra đối với đối tác sẽ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật. Đồng thời, xác định những cái “ghép” giữa hiện trạng kế toán theo chuẩn mực kế toán hiện hữu với việc áp dụng IFRS 9. Sau đó là tổ chức đào tạo dưới sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn cho nguồn nhân lực lõi để nâng cao sự hiểu biết, làm chủ đối với những vấn đề mới của IFRS 9 đặt ra với các bộ phận nghiệp vụ của ngân hàng. Tiếp đó là chạy thử nghiệm để tiến tới chạy chính thức.

“Hiện nay, chúng tôi đang chạy thử nghiệm trên các dữ liệu của năm 2021 và sẽ tiếp tục thực hiện trên cơ sở dữ liệu thực hiện của năm 2022. Trong quá trình này, chúng tôi cũng tiếp tục chờ đợi những hướng dẫn chi tiết hơn từ cơ quan quản lý nhà nước. Khi hoàn tất quá trình chạy thí điểm, chúng tôi dự kiến sẽ bắt đầu chạy chính thức vào năm 2023” - ông Trung cho biết.

Chia sẻ trên phương diện nhà quản lý của Ngân hàng Nhà nước, bà Vân cho rằng, muốn thực hiện IFRS thành công thì các nhà lãnh đạo, quản lý DN nói chung và ngành ngân hàng nói riêng phải thực sự quan tâm đến lĩnh vực này để có sự chuẩn bị đầy đủ và cần thiết về nhân lực, về tài chính và công nghệ để có thể thực hiện IFRS đúng quy định.

“Đối với ngành ngân hàng, cần rất nhiều nguồn lực để tuân thủ IFRS. Trước hết là có nhân lực hiểu biết về IFRS, có hệ dữ liệu đủ để xây dựng các mô hình tính được đúng giá trị của các công cụ tài chính cho nên ngành ngân hàng hiện nay đang rất quan tâm đến IFRS và đang có những bước đi chuẩn bị cho quá trình thực hiện” - bà Vân cho biết.

Cũng theo bà Vân, để chuẩn bị cho quá trình tuân thủ IFRS trong ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có 1 khảo sát với các ngân hàng xem sự chuẩn bị với việc tuân thủ này như thế nào. Hiện nay, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã bắt đầu nghiên cứu và một số ngân hàng đã tiên phong trong quá trình áp dụng triển khai IFRS.

Trong Quyết định 345/QĐ-BTC năm 2020 của Bộ Tài chính phê duyệt Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam, có 1 nội dung phân công cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và đề xuất lộ trình tuân thủ IFRS cho ngành ngân hàng và phối hợp cùng với Bộ Tài chính để ra các văn bản đảm bảo cho ngành ngân hàng có thể tuân thủ IFRS đúng hạn. Hiện nay, 2 cơ quan này đang tích cực phối hợp để sớm đưa ra lộ trình tuân thủ cho các ngân hàng.