“Chiếc phao” quan trọng của ngân hàng

Các ngân hàng khi cấp tín dụng cho khách hàng thường đặt mối quan tâm đặc biệt vào việc thẩm định giá trị tài sản bảo đảm được khách hàng cầm cố, thế chấp. Theo đó, đây có thể được coi như “chiếc phao” cứu sinh quan trọng cho các ngân hàng khi có rủi ro xảy ra.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, biện pháp bảo đảm không phải là điều kiện bắt buộc khi cấp tín dụng, nhưng là một trong các yếu tố quan trọng để tổ chức tín dụng đánh giá, quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm đã dần hoàn thiện và hướng dẫn theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm vẫn còn tương đối phức tạp, khó theo dõi do nằm rải rác ở nhiều văn bản luật khác nhau.

Dù tín dụng tăng trưởng nhưng nguy cơ nợ xấu vẫn là nỗi lo của các ngân hàng.
Dù tín dụng tăng trưởng nhưng nguy cơ nợ xấu vẫn là nỗi lo của các ngân hàng.

Một trong những quy định về tài sản bảo đảm được định giá theo quy định tại Bộ luật Dân sự. Theo đó, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá trị tài sản bảo đảm hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản. Việc định giá tài sản bảo đảm phải khách quan, phù hợp với giá thị trường và tổ chức định giá phải bồi thường thiệt hại nếu có hành vi trái pháp luật mà gây thiệt hại cho bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm trong quá trình định giá tài sản bảo đảm.

Có tài sản bảo đảm, cũng không hết thấp thỏm

Ông Phạm Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết, trong nền kinh tế thị trường, với sự phát triển đa dạng của các quan hệ kinh doanh thương mại, một tài sản có thể được dùng bảo đảm thực hiện cho nhiều nghĩa vụ. Đồng thời, tài sản không chỉ là đối tượng của biện pháp bảo đảm theo Bộ luật Dân sự, mà còn có thể là đối tượng của giao dịch dân sự có tính chất tài trợ vốn khác. Chính vì vậy, việc xác định đúng và quy định rõ ràng về vị thế và quyền ưu tiên của các bên tham gia giao dịch tài trợ vốn đóng vai trò rất quan trọng. Đây cũng là yếu tố pháp lý góp phần bảo đảm cho việc phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững.

Những dạng tài sản bảo đảm thông thường quy định trong Bộ luật Dân sự

Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản bảo đảm gồm:

Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.

Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.

Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.

Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

Trong trường hợp một tài sản có thể dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ nợ khác nhau thì câu chuyện sẽ vẫn diễn ra bình thường ngay cả khi bên vay không trả được nợ, nhưng tài sản bảo đảm khi phát mại vẫn thu về số tiền lớn hơn tổng số nợ. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp tài sản bảo đảm khi phát mại không đủ thanh toán cho tất cả các nghĩa vụ nợ. Trong trường hợp, các chủ nợ (đa phần là các ngân hàng) có thể sẽ phải đối diện với những tranh chấp khá cam go để thu về lợi ích tối đa cho ngân hàng mình.

Ứng xử với những thực trạng như trên, theo GS. Xuân Thảo Nguyễn - Đại học Indiana (Mỹ), kinh nghiệm quốc tế trong bảo đảm cho thấy các quốc gia thường thực hiện quy tắc chung về người đến trước được quyền ưu tiên với nhiều ngoại lệ, phản ánh thực tiễn thị trường và vị thế khác nhau của các chủ nợ khi tham gia giao dịch tài trợ vốn có bảo đảm. Tuy nhiên, các chủ nợ cũng có thể có quyền thỏa thuận thay đổi ưu tiên giữa các quyền lợi bảo đảm. Theo đó, các bên cho vay có thể ký kết thỏa thuận giữa các chủ nợ, trong đó bao gồm điều khoản về thay đổi thứ tự ưu tiên, xác định thứ tự ưu tiên giữa các quyền lợi bảo đảm và quyền được hoàn trả nợ. Cụ thể, bên cho vay có thứ tự ưu tiên cao nhất có thể chuyển nhượng quyền ưu tiên cao nhất đó cho các chủ nợ khác trong nhóm cho vay.

Ngoài ra, các ngân hàng cho rằng, hiện nay quy định pháp luật chưa có văn bản pháp lý dành riêng cho giao dịch bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng ngân hàng, trên thực tế gây rất nhiều khó khăn cho các ngân hàng trong quá trình thực hiện quyền của chủ nợ, quyền của bên nhận thế chấp hợp pháp. Việc này dễ làm kéo dài quá trình xử lý tài sản bảo đảm, làm cho hoạt động tài trợ vốn có tài sản bảo đảm vẫn còn thiên nhiều về tài sản là bất động sản, tài sản hữu hình và tài sản đã hình thành. Những tài sản khác hoặc tài sản vô hình vẫn bị các ngân hàng “ngại ngần” khi nhận thế chấp do khó đánh giá được giá trị thực của tài sản. Điều này phần nào cũng làm giảm nhiều cơ hội tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp. Với bối cảnh hiện tại, các ngân hàng cho rằng, việc cụ thể hóa các quy định trong luật chuyên ngành có thể sẽ giúp các ngân hàng bớt “nơm nớp lo lắng” trong việc cho vay và quản lý tài sản bảo đảm, giúp giảm thiểu các rủi ro và tranh chấp trong xử lý nợ xấu của các ngân hàng.

Kinh nghiệm quốc tế

Theo GS. Xuân Thảo Nguyễn - Đại học Indiana (Mỹ), kinh nghiệm quốc tế trong bảo đảm cho thấy các quốc gia thường thực hiện quy tắc chung về người đến trước được quyền ưu tiên với nhiều ngoại lệ, phản ánh thực tiễn thị trường và vị thế khác nhau của các chủ nợ khi tham gia giao dịch tài trợ vốn có bảo đảm. Tuy nhiên, các chủ nợ cũng có thể có quyền thỏa thuận thay đổi ưu tiên giữa các quyền lợi bảo đảm. Theo đó, các bên cho vay có thể ký kết thỏa thuận giữa các chủ nợ, trong đó bao gồm điều khoản về thay đổi thứ tự ưu tiên, xác định thứ tự ưu tiên giữa các quyền lợi bảo đảm và quyền được hoàn trả nợ. Cụ thể, bên cho vay có thứ tự ưu tiên cao nhất có thể chuyển nhượng quyền ưu tiên cao nhất đó cho các chủ nợ khác trong nhóm cho vay.