Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Khai thác cát dùng vòi hút vô tội vạ”

Sẽ cấp quyền theo trữ lượng nhưng quyết toán theo thực tế

Gần cuối phiên chất vấn sáng 4/6, đại biểu (ĐB) Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) bấm nút phát biểu tranh luận. Theo ĐB, trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng cho biết, việc đấu giá còn phụ thuộc vào quy định về các khu vực cấp phép khai thác không thông qua đấu giá vì liên quan đến quốc phòng, an ninh và các quy định cụ thể khác.

Ngân sách thu hơn 55 nghìn tỷ đồng từ cấp quyền khai thác khoáng sản
ĐB Trần Hữu Hậu bấm nút tranh luận với câu hỏi rất nhiều dẫn chứng cụ thể bằng các con số.

ĐB Trần Hữu Hậu trích dẫn các con số: Theo báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 441 giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cấp khoảng 3.000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu giá. Mặc dù sau đấu giá, giá tăng 20 – 40% so với giá khởi điểm.

“Như vậy, tỷ lệ cấp phép khai thác không qua đấu giá là rất thấp, dù hiệu quả cao hơn. Vậy Bộ trưởng có chắc chắn hàng ngàn khu vực khoáng sản cấp quyền khai thác thông qua đấu giá hơn 10 năm qua là đúng theo quy định không?”- ĐB Trần Hữu Hậu chất vấn.

Trước đó, đã có ĐB hỏi về vấn đề này, theo ĐB Trần Hữu Hậu, trả lời của Bộ trưởng về nội dung này còn cho biết, sẽ thực hiện tối đa việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

“Một số doanh nghiệp nhà nước hiện đang nắm giữ, một số khu vực đã hoàn thành việc thăm dò, có đủ điều kiện đấu giá nhưng chưa thể đưa vào khai thác. Vậy, chúng ta có thể thực hiện được đấu giá các mỏ này để huy động nguồn lực xã hội và khai thác, góp phần phát huy hiệu quả tài nguyên khoáng sản cho phát triển đất nước hay không?”- ĐB Trần Hữu Hậu nêu vấn đề.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, tiền cấp quyền khai thác thực hiện theo Luật Khoáng sản, sau 13 năm thực hiện, chính sách này đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; cũng như trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giấy phép. Bộ trưởng cho biết, tính đến năm 2023, tổng số tiền thu được từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt trên 55.887 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, trong quá trình thực hiện cũng có một số bất cập như đại biểu băn khoăn, đó là tiền cấp quyền được tính theo trữ lượng khai thác và không phụ thuộc vào trữ lượng khai thác thực tế, vì vậy có nhiều biến động. Bởi khi điều tra cơ bản địa chất phục vụ khai thác khoáng sản, nhưng có nhiều mỏ khoáng sản không thể đánh giá trữ lượng tuyệt đối. Tiền cấp quyền được tính trên cơ sở kết quả điều tra thăm dò khoáng sản nên độ chính xác tương đối.

Vì vậy, trong dự thảo Luật Địa chất khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu theo hướng, tiền cấp quyền vẫn tính theo trữ lượng nhưng được quyết toán theo khối lượng thực tế.

Gần 4.000 khu vực khoáng sản đang được hơn 3.300 tổ chức, cá nhân khai thác

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn trước đó. Theo ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông), nhiều công trình trọng điểm quốc gia cũng như các địa phương gặp nhiều khó khăn trong vấn đề khoáng sản, vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng. Nhiều nơi thiếu trầm trọng, có nơi thừa không biết cách xử lý do các bất cập trong Luật Khoáng sản hiện hành. Điển hình là vướng mắc khi thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

Ngân sách thu hơn 55 nghìn tỷ đồng từ cấp quyền khai thác khoáng sản
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời đi thẳng vào vấn đề các câu hỏi của đại biểu.

ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp để đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng nói riêng và tài nguyên khoáng sản nói chung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết, vấn đề đấu giá khai thác khoảng sản là nguyên tắc cơ bản trong cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ định hướng hoàn thiện chế định đấu giá quyền khai thác khoáng sản như thế nào?

Về quản lý các mỏ hết thời gian cho phép khai thác theo giấy phép, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, thời gian cấp phép mỏ tối đa là 30 năm, các mỏ được phép gia hạn nhiều lần, tổng thời gian không quá 20 năm, nghĩa là tuổi thọ của một mỏ theo luật là 50 năm.

Như vậy, theo Bộ trưởng, trường hợp các mỏ sau khi khai thác 30 năm mà đang còn trữ lượng, chủ mỏ đã thực hiện đầy đủ, bài bản các giấy tờ thủ tục, thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Nghĩa vụ bảo vệ môi trường, trước khi hết hạn 45 ngày, chủ mỏ cần làm hồ sơ đề xuất để xin gia hạn. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ để quyết định việc tiếp tục giao mỏ theo quy định.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 31/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng với tổng số tiền phê duyệt trên 61.441 tỷ đồng. Về kết quả thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, số tiền đã thu được từ năm 2014 đến 31/12/2023 là 55.887 tỷ đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tính đến tháng 12/2023, cả nước có gần 4.000 khu vực khoáng sản đang được hơn 3.300 tổ chức, cá nhân khai thác với gần 50 loại khoáng sản khác nhau trên phạm vi cả nước, tập trung vào các loại tài nguyên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và vật liệu xây dựng thông thường như: đá, sét, cát, sỏi, than, đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng, đá hoa trắng, đá ốp lát…

Trong số gần 4.000 khu vực khoáng sản nêu trên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chiếm gần 3.000 khu vực với tổng trữ lượng được phê duyệt năm 2023 là gần 500 triệu m3; sản lượng khai thác vào khoảng 143 triệu m3./.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản

Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 19 giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp và 199 giấy phép khai thác khoáng sản theo các loại hình khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường (các cơ quan tương đương) cấp phép đang còn hiệu lực.

Bộ trưởng khẳng định, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng theo hướng bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, tính minh bạch trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành địa chất, khoáng sản.