Nhiều tín hiệu tích cực

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, tính đến ngày 4/11, toàn quốc đã có 15,55 triệu người tham gia BHXH, tăng 1 triệu người so với tháng 9/2021. Trong đó, BHXH bắt buộc tăng 972.000 người, BHXH tự nguyện tăng 36.000 người. Về bảo hiểm y tế (BHYT), toàn quốc có 84,37 triệu người tham gia, tăng 837.000 người so với tháng 9/2021. Trong đó, có BHXH 4 tỉnh đã hoàn thành kế hoạch được giao gồm: Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, Quảng Trị. Tổng số thu toàn ngành đạt 76,9% kế hoạch Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ năm trước. Có 44 BHXH tỉnh đạt số thu cao hơn tỷ lệ thu bình quân chung toàn quốc. Một số tỉnh có tỷ lệ thu cao như: Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Nghệ An…

Ngành Bảo hiểm Xã hội tập trung cao độ tăng tốc 2 tháng cuối năm

Tuyên truyền phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện theo nhóm tại Đồng Tháp.

Theo đánh giá của Ban Quản lý thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), trong bối cảnh có nhiều khó khăn do dịch Covid-19 tác động, kết quả trên phần nào cho thấy được sự nỗ lực, quyết tâm trong việc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2021 của BHXH các tỉnh, thành phố thời gian qua.

Đặc biệt, nhiều địa phương đã có mô hình hay trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT cần nhân rộng như: việc tổ chức tháng cao điểm vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện của Bắc Giang; xây dựng mô hình xã điểm phát triển BHXH tự nguyện của Hà Nội; một số BHXH tỉnh tham mưu huy động ngân sách địa phương hỗ trợ nhóm người tham gia BHYT thuộc đối tượng không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT có sự tăng trưởng so với tháng 9/2021 nhưng tốc độ tăng còn chậm. Ước tính từ nay đến cuối năm 2021, số người tham gia còn phải phát triển để đạt kế hoạch đề ra là rất lớn. Cụ thể, theo kế hoạch, BHXH phải còn trên 2 triệu người, BHYT còn phải phát triển trên 5,5 triệu người.

Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn khi chỉ còn 2 tháng nữa để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, so với hết năm 2020, số người tham gia BHXH đến hết tháng 10/2021 đã giảm 747.005 người, số tham gia BHYT giảm 3.543.716 người. Bên cạnh đó, số người nhận BHXH một lần mặc dù đã giảm 252 người so với cùng kỳ năm 2020, nhưng số lũy kế 10 tháng năm 2021 vẫn lên tới 844.636 người. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN cũng gia tăng, với con số 24.330 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,74% so với số phải thu (so với cùng kỳ năm 2020, số tiền nợ tăng 2.824 tỷ đồng, tỷ lệ nợ so với số phải thu tăng 0,7%).

Dồn lực phát triển đối tượng, giảm nợ đọng

Nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành BHXH trong 2 tháng còn lại theo chỉ đạo của lãnh đạo BHXH Việt Nam là tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ giải pháp thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao ở mức cao nhất.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT mới đây, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, thời gian tới, tình hình dịch bệnh tại các địa phương vẫn còn diễn biến khó lường, khó khăn có thể còn nhiều hơn, BHXH các tỉnh, thành phố cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tập trung cao độ hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, bám sát tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, BHXH các tỉnh, thành phố cần xây dựng kịch bản thích ứng linh hoạt với tình hình ở địa phương.

Với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển đối tượng, giảm nợ, ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu trong 2 tháng cuối năm, toàn ngành dồn lực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh đó, chú trọng truyền thông, tiếp cận, vận động trực tiếp người tham gia BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đại lý, từng cán bộ, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Đồng thời, nhân rộng hơn nữa các mô hình hay, cách làm sáng tạo; tăng cường các hội nghị giao ban chuyên đề thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT theo nhóm đơn vị, nhóm vấn đề…

Đặc biệt, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2022; tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra năm 2021 phù hợp với tình hình diễn biễn dịch bệnh Covid-19; tăng cường đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử (khai thác các cơ sở dữ liệu của ngành, phân tích, đánh giá, đưa ra cảnh báo, đôn đốc); tập trung thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng kéo dài, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN...

Một số kết quả nổi bật tại trong công tác phát triển người tham gia tại các tỉnh

Tại Hà Nội: Hiện có hơn 7,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) (đạt bao phủ 90,1% dân số); trên 1,8 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; hơn 1,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 54.230 người tham gia BHXH tự nguyện.

Tại tỉnh Bắc Giang: Tính đến hết tháng 10, tổng số người tham gia BHXH của tỉnh là 356.884 người, trong đó, số tham gia BHXH tự nguyện là 26.365 người, tăng 7.554 người, tương ứng 40,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số người tham gia BHYT là 1.688.824 người, đạt 98,5% kế hoạch được giao. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 74,5% kế hoạch.