Cán bộ Hải quan Móng Cái kiểm tra hàng hóa XNK trên biển.

Cán bộ Hải quan Móng Cái kiểm tra hàng hóa XNK trên biển.

Ông Kim Long Biên - Vụ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa (Tổng cục Hải quan) đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về giải pháp nâng xếp hạng chỉ số GDTMQBG.

* PV: Thưa ông, một trong những mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ (NQ 02) là nâng hạng chỉ số GDTMQBG lên 10 đến 15 bậc (đến năm 2021), năm 2019 là từ 3 đến 5 bậc. Vậy, cơ quan hải quan sẽ làm gì để cùng các bộ, ngành và doanh nghiệp (DN) thực hiện được mục tiêu này?

- Ông Kim Long Biên: Chỉ số GDQBG là một trong những chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh tại Báo cáo Môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện định kỳ hàng năm đối với 190 quốc gia. Chỉ số này đo lường thời gian và chi phí thực hiện toàn bộ quá trình xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) hàng hóa, gồm 3 hoạt động chính: Chuẩn bị và thực hiện bộ hồ sơ XK, NK; thực hiện các loại thủ tục tại cửa khẩu; vận chuyển hàng hóa XK, NK trong nội địa.

Cán bộ Hải quan Móng Cái kiểm tra hàng hóa XNK trên biển.

Ông Kim Long Biên

Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nâng xếp hạng chỉ số GDTMQBG theo tinh thần của NQ 02, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Bộ Tài chính ban hành văn bản triển khai chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu các đơn vị thực hiện các giải pháp cải thiện xếp hạng chỉ số GDTMQBG của Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã đề xuất 3 giải pháp nâng hạng GDTMQBG và các giải pháp này sẽ do Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai trong thời gian tới. Cụ thể, giải pháp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN); giải pháp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hải quan; giải pháp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục với công ty kinh doanh cảng, kho, bãi, hãng tàu, giao thông vận tải.

Để xây dựng, triển khai các giải pháp này, trước đó, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, phân tích nội hàm, kết quả GDTMQBG của Việt Nam và xây dựng các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao xếp hạng chỉ số này.

* PV: Theo các chuyên gia, tạo thuận lợi cho DN góp phần giảm thời gian và chi phí xuất nhập khẩu (XNK) là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần nâng hạng chỉ số GDTMQBG. Thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ chú trọng những giải pháp gì để nâng cao chất lượng của chỉ số này, thưa ông?

- Ông Kim Long Biên: Để giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hải quan, phía Tổng cục Hải quan sẽ chuẩn hóa khai báo trên tờ khai hải quan các nội dung liên quan đến hàng hóa, đơn vị tính đồng nhất giấy phép, kết quả KTCN thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá lại tiêu chí quản lý rủi ro, các danh mục quản lý rủi ro theo định kỳ 3 tháng 1 lần; hệ thống hóa, rà soát lại thời hạn hiệu lực của các văn bản có liên quan đến thiết lập tiêu chí rủi ro…

Không những vậy, ngành Hải quan rà soát lại các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Hải quan có liên quan đến việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với một số chủng loại hàng hóa XNK như: Khoáng sản xuất khẩu, thịt và các sản phẩm từ thịt, phế liệu NK dùng làm nhiên liệu sản xuất…, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện của cục hải quan tỉnh, thành phố, ý kiến của bộ quản lý chuyên ngành để từ đó đề xuất giải pháp giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế.

Đặc biệt, cơ quan hải quan hoàn thiện hệ thống hải quan điện tử, hệ thống hải quan tự động tại cảng biển trong tháng 4/2019, đồng thời hoàn thiện Cổng thông tin một cửa quốc gia để đảm bảo việc kết nối giữa hải quan và DN kho bãi cảng, cơ quan quản lý, KTCN, hãng tàu được thông suốt, xử lý được các vướng mắc về hệ thống hiện nay…

Đối với các cục hải quan tỉnh, thành phố cũng sẽ rà soát lại việc thực hiện tại tất cả các khâu thủ tục, xây dựng các giải pháp trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, điều hành để tránh phiền hà, giảm thời gian và chi phí cho cộng đồng DN. Chủ động tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý, giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc cho DN, đảm bảo thủ tục XNK, vận chuyển nhanh hàng hóa…

* PV: Được biết, qua trao đổi của DN và rà soát của Tổng cục Hải quan, hiện nay, hoạt động thực hiện thủ tục quản lý, KTCN còn có một số vướng mắc. Cơ quan hải quan sẽ khắc phục những vướng mắc đó như thế nào, thưa ông?

- Ông Kim Long Biên: Để khắc phục tình trạng vướng mắc chung về hoạt động quản lý, KTCN và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban 1899 sẽ tiếp tục tích cực chủ động rà soát, ghi nhận vướng mắc và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, KTCN để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về những vướng mắc triển khai Nghị định 74/2018/NĐ-CP khi kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất và NK, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng nghị quyết của Chính phủ về việc không nộp Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước trong bộ hồ sơ hải quan khi thực hiện thủ tục thông quan trong tháng 4/2019; đánh giá kết quả có thể giảm tỷ lệ tờ khai phân luồng vàng/đỏ sau khi áp dụng nghị quyết trên.

Về danh mục quản lý, KTCN, cơ quan hải quan sẽ thống kê danh sách mặt hàng hiện nay chịu sự quản lý của 2 cơ quan thuộc 1 bộ; chịu sự quản lý của từ 2 bộ, ngành trở lên. Thống kê các mặt hàng thuộc danh mục quản lý của các bộ, ngành, trên cơ sở đó đề xuất các mặt hàng cần cắt giảm theo lộ trình…

* PV: Xin cảm ơn ông!

Nam Khánh (thực hiện)