Ngành Hải quan cải cách, quản lý nguồn nhân lực theo vị trí việc làm
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Phương Anh

Cơ hội trau dồi, nâng cao kiến thức

Năm qua, lần đầu tiên mô hình đánh giá năng lực 2 cấp được Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện. Theo thống kê, toàn ngành Hải quan đã đánh giá 4.520 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo đang công tác tại các lĩnh vực nghiệp vụ chính đã được chuyển giao cho hải quan các tỉnh, thành phố chủ động triển khai theo quy định và giám sát của tổng cục. Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã mở rộng phạm vi đánh giá năng lực 795 lãnh đạo cấp đội thuộc chi cục và tương đương đang phụ trách các nghiệp vụ chính trên toàn quốc.

Kết quả, các công chức lãnh đạo đội thi đạt kết quả khá cao là 90,4% cấp độ 2 trở lên, trong đó 63% đạt cấp độ 3. Còn các công chức không giữ chức vụ lãnh đạo thì 93% đạt cấp độ 2 trở lên, trong đó 73% đạt cấp độ 3.

Đáng chú ý, có hàng trăm thí sinh đạt điểm tối đa 100 điểm, nhiều điểm 100 đến từ các thí sinh dự thi vị trí việc làm có độ khó cao như: kiểm tra sau thông quan cấp cục, thực hiện thủ tục thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại.

Chia sẻ sau khi tham gia kỳ thi, chị Dương Thị Quỳnh Lan - Đội trưởng Đội quản lý thuế, Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội cho biết: “Chúng tôi thi qua máy tính và trả kết quả ngay trên máy tính. Trước khi thi thì có phần mềm ôn luyện. Qua đó không ngừng nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, cũng như đạo đức công vụ, nhằm phục vụ tốt nhất, đáp ứng nhiều nhất những nhiệm vụ chính trị được giao”.

Còn chị Nguyễn Thị Thanh Huyền - Công chức Đội quản lý thuế, Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội nhận xét, thi đánh giá năng lực là cơ hội để ôn lại những kiến thức chuyên môn, đồng thời cập nhật thêm những văn bản mới, những kiến thức nghiệp vụ khác có liên quan đến lĩnh vực hiện nay đang công tác.

Hải quan Hà Nội cũng là đơn vị có nhiều thí sinh đạt điểm cao do ngay sau khi nhận hướng dẫn từ Tổng cục Hải quan, đơn vị đã có nhiều hình thức hỗ trợ công chức ôn tập, học nghiệp vụ hiệu quả. Trong 415 cán bộ, công chức không giữ vị trí lãnh đạo tham gia, có tới 65% bài thi đạt 83 đến 100 điểm.

Việc làm này đã và đang khuyến khích phong trào thi đua học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng xử lý công việc của công chức hải quan, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với ngành.

Cơ sở để bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ

Ngành Hải quan cải cách, quản lý nguồn nhân lực theo vị trí việc làm

Kỳ thi đánh giá năng lực công chức tại Hải quan Hà Nội. Ảnh: Thu Hương.

Theo ông Lương Khánh Thiết - Phó trưởng ban thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan, Trưởng Đoàn giám sát kỳ thi của Tổng cục Hải quan, trong kỳ đánh giá mới nhất, lần đầu tiên Tổng cục Hải quan đưa vào phương pháp xây dựng câu hỏi nguyên tắc.

Nếu trước đây, mỗi câu hỏi trắc nghiệm chỉ có 4 phương án trả lời cụ thể dẫn đến tình trạng thí sinh có thể học thuộc không cần hiểu, nhớ mẹo các đáp án đúng. Năm nay, một câu hỏi trắc nghiệm sẽ có nhiều đáp án đúng và nhiều phương án trả lời sai, các đáp án được kết hợp với nhau tạo ra tổ hợp 4 phương án trả lời khác nhau trên bài thi. Như vậy, một câu hỏi nguyên tắc sẽ sinh ra rất nhiều câu hỏi có bố trí đáp án khác nhau, dẫn đến thí sinh bắt buộc phải nắm và hiểu các nội dung nghiệp vụ gốc mới làm được bài.

Ông Thiết cho rằng, nhờ sự đổi mới này, công chức dự thi được tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều trong quá trình ôn tập.

Kết quả đánh giá năng lực cũng đã từng bước được sử dụng trong công tác tổ chức cán bộ với các hoạt động như điều động, chuyển đổi vị trí công tác; đánh giá, xếp loại công chức, viên chức; đào tạo; bổ nhiệm… Qua đó, đảm bảo bước đầu bố trí đúng người, đúng việc, đảm bảo công chức nắm được kiến thức nhất định trước khi đảm nhận vị trí mới.

Việc thi đánh giá năng lực công chức hải quan đến nay đã trở thành hoạt động công vụ quan trọng của ngành Hải quan, nhằm xác định được thực trạng năng lực chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức để quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực hiện tại; lựa chọn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa của ngành.

Kết quả kỳ thi đã thể hiện được phần nào năng lực chuyên môn và ý thức thực thi công vụ của đội ngũ công chức và cũng là cơ sở cho việc bố trí, sử dụng công chức một cách khoa học, đúng năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan; lựa chọn được những công chức có năng lực trình độ để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo các cấp.

Bố trí đúng người đúng việc

Từ năm 2018 đến nay, ngành Hải quan đã đánh giá thực trạng năng lực của trên 5.000 công chức đang công tác tại 119 vị trí, việc làm. Qua đó có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực của cán bộ, công chức để bố trí đúng người đúng việc nhằm nâng cao hiệu suất công việc trong giải quyết khối lượng công việc ngày càng gia tăng của ngành.