Ngành Hải quan đặt mục tiêu giảm 5% biên chế công chức vào năm 2026
Hải quan Việt Nam quyết liệt hành động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ. Ảnh: TL.

Với kế hoạch này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan triển khai các nhiệm vụ theo phân công. Trong đó, khi triển khai cần cụ thể hóa các nhiệm vụ thành các giải pháp, đề án, công việc, kết quả đầu ra và chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng về kết quả thực hiện, tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Hướng tới mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với thực hiện hiệu quả lộ trình giảm biên chế hàng năm để đến năm 2026, đạt chỉ tiêu giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, các đơn vị cần tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả thực thi thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).

Về cơ chế chính sách, Tổng cục Hải quan yêu cầu nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2; áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro; bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành; thay đổi phương pháp quản lý từ kiểm tra từng lô hàng sang kiểm tra theo mặt hàng…; chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra DN kém hiệu quả; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, đúng pháp luật của DN.

Đặc biệt, các đơn vị của Tổng cục Hải quan rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hải quan để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan; đồng thời tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại; đẩy mạnh xây dựng, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

Thách thức thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, trong bối cảnh tác động của kinh tế thế giới cũng như những cam kết cắt giảm thuế quan đang đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan nói riêng.

Từ cuối năm 2022, nhiều ngành hàng nhập khẩu chủ lực, nhất là nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu đều giảm mạnh, không có đơn hàng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng…

Cùng đà đó, với nhiều yếu tố khách quan khác, dự báo năm 2023 thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu có thể giảm so với những năm trước.

Trong khi đó, năm 2023, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách là 425.000 tỷ đồng. Dự toán thu 2023 được xây dựng trên cơ sở dự kiến các chỉ tiêu kinh tế như: tốc độ tăng trưởng GDP 6 - 6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8 - 9%; kim ngạch nhập khẩu tăng từ 7 - 8%.