Phối hợp kiểm soát chống buôn lậu đạt hiệu quả cao

Thời gian qua, hoạt động buôn lậu và vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới Trung Quốc gia tăng mạnh và tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Do đó, từ đầu năm đến nay, ngành Hải quan đã triển khai nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn “dòng chảy” buôn lậu vùng biên giáp Trung Quốc vào nội địa tiêu thụ.

Ngành Hải quan: Quyết liệt ngăn chặn “dòng chảy” buôn lậu vùng biên giáp Trung Quốc
Tình hình buôn lậu qua biên giới giáp Trung Quốc ngày càng nóng. Ảnh: TL

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chia sẻ, trong vài năm gần đây, các chủ đầu nậu thường tổ chức các đường dây vận chuyển hàng lậu một cách rất bài bản và quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn. Chúng thường lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới để gom hàng tập kết tại nhiều địa điểm ở khu vực biên giới; lợi dụng cư dân, người lao động khu vực biên giới nghèo khó và ít am hiểu luật pháp để thuê tham gia vận chuyển và gắn trách nhiệm của họ khi vận chuyển hàng lậu.

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và gian lận thương mại diễn ra phức tạp, tập trung tại các địa bàn trọng điểm là khu vực Cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, đường biên từ Km1 đến Km3 Phường Ka Long (Quảng Ninh); Cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị, Chi Ma, Ga đường sắt liên vận quốc tế (Lạng Sơn); Cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh (Cao Bằng); Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Lào Cai) ...

“Các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc có nhiều cửa khẩu thông thương, có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn lối tắt dễ dàng cho các chủ đầu nậu lợi dụng cư dân biên giới xuất, nhập cảnh trái phép vận chuyển thuê hàng lậu, hàng cấm thẩm thấu vào nội địa. Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, hình thành những đường dây liên tỉnh, xuyên quốc gia, móc nối giữa trong nước với nước ngoài một cách chặt chẽ, để đưa hàng lậu vào sâu nội địa tiêu thụ”, ông Nguyễn Hùng Anh nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, lực lượng hải quan nhiều địa phương đã triệt phá được nhiều vụ việc có quy mô lớn, nhất là ở một số tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh …Điển hình, ngay đầu năm, tháng 1/2022, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp kiểm tra và phát hiện 27 tấn chân gà đông lạnh không đầy đủ giấy tờ theo quy định tại địa điểm tập kết hàng hoá thuộc cửa khẩu Tà Lùng, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng.

Cũng theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, nhiều vụ việc xảy ra dưới các hình thức lợi dụng quy trình hải quan điện tử, hàng hóa được phân luồng Xanh, luồng Vàng (miễn kiểm tra thực tế) để khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ…

Đơn cử, trong tháng 4/2022, Cục Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện và xử lý Công ty TNHH TM & XNK An Huy với hành vi quá cảnh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tang vật vi phạm gồm 6 mục hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là quần áo thể thao giả mạo một số nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, NIKE, Puma; giầy thể thao, nước hoa, giày dép.

Đáng chú ý, theo số liệu thống kê được đưa ra tại Hội đàm “hai nước bốn bên” lần thứ tám, năm 2022 giữa Cục Hải quan 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh (Việt Nam) và Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) diễn ra mới đây cho thấy, trong công tác phối hợp kiểm soát chống buôn lậu, trong năm 2022, các đơn vị hải quan quản lý tuyến biên giới 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý 189 vụ doanh nghiệp lợi dụng chính sách hải quan để buôn lậu... trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 5.110 tỷ đồng; phát hiện, bắt giữ 9 vụ với 20 đối tượng vận chuyển trái phép các chất ma túy qua cửa khẩu. Đặc biệt, 4 cơ quan hải quan của hai nước thường xuyên trao đổi thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ngăn chặn “dòng chảy” buôn lậu dịp cuối năm

Cục Điều tra chống buôn lậu nhận định, thời gian tới, hàng hóa lậu vận chuyển trái phép qua biên giới Trung Quốc vào nội địa sẽ tăng mạnh, tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục diễn ra phức tạp do nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm, nhất là dịp tết nguyên đán. Trước tình hình đó, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả, ngành hải quan đã có kế hoạch, phương án kiểm tra cụ thể. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đang và sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư máy móc hiện đại, lắp đặt tại cửa khẩu và giao các cục hải quan quản lý, vận hành để thực hiện việc soi chiếu container…

Bên cạnh đó, các đơn vị hải quan cửa khẩu sẽ chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn thu thập thông tin, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực đường mòn lối mở biên giới nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ những trường hợp có hành vi vi phạm; tuyên truyền, giáo dục cho người dân các quy định của pháp luật trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Cơ quan hải quan tiếp tục tăng cường thu thập thông tin về doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đã bị xử lý về hành vi buôn lậu; tăng cường giám sát hải quan tại các địa điểm kiểm tra, nơi tập kết hàng hóa; giám sát các kho chứa hàng hóa, đẩy mạnh giám sát trực tuyến nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận trong kê khai hàng hóa xuất nhập khẩu...Tích cực, chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Ngành Hải quan: Quyết liệt ngăn chặn “dòng chảy” buôn lậu vùng biên giáp Trung Quốc
Lực lượng hải quan phát hiện lô hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: TL

Đáng chú ý, trong dịp giáp tết, ngành Hải quan sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tập trung vào các mặt hàng cấm như pháo nổ, các mặt hàng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu tết của người dân…

Ngoài ra, lực lượng hải quan sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của cơ chế Ủy ban liên hợp về biên giới trên đất liền Việt - Trung và Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt - Trung; thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền giữa hai nước; nâng cao mức độ hợp tác về xây dựng, quản lý và mở cửa các cửa khẩu biên giới hai nước; tiếp tục áp dụng các biện pháp tiện lợi hóa thông quan; tích cực nghiên cứu giải quyết vấn đề lao động thời vụ khu vực biên giới hai nước; tăng cường công tác quản lý, giữ gìn trật tự xã hội, an ninh khu vực biên giới; tiếp tục thúc đẩy việc mở và nâng cấp các cặp cửa khẩu, áp dụng các biện pháp tiện lợi hóa thông quan, tạo thuận lợi cho phát triển của khu vực biên giới hai nước./.

Tại Hội đàm “hai nước bốn bên” lần thứ tám, năm 2022 giữa Cục Hải quan 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh (Việt Nam) và Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) diễn ra tháng 11/2022, lãnh đạo 4 cơ quan hải quan của 2 nước đã thống nhất 10 nội dung, chương trình hợp tác triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là: tích cực phối hợp để tham mưu cho cấp thẩm quyền của 2 nước tìm giải pháp căn cơ để hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu; kịp thời trao đổi thông tin cập nhật những chính sách mới liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước hải quan của Việt Nam và Trung Quốc; chỉ đạo các hải quan cửa khẩu kịp thời trao đổi sớm nhất với các đơn vị hải quan đối diện những sự vụ mới phát sinh trong quá trình điều hành, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu;…