Nhiều địa phương đạt kết quả rất cao

Ngay từ đầu năm 2022, toàn ngành Hải quan đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022 để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu. Nhờ đó, đến hết tháng 6/2022, số thu của ngành Hải quan đã đạt 226.588 tỷ đồng, bằng 64,4% dự toán, 61,2% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều đơn vị hải quan địa phương đạt kết quả “khủng”.

Đơn cử như Hải quan Quảng Ngãi, số thu nửa đầu năm 2022 của đơn vị đạt rất cao, trên 6.300 tỷ đồng, tức là hơn 83% chỉ tiêu pháp lệnh cả năm; bằng 78,7% chỉ tiêu phấn đấu. Theo Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ngãi Vũ Văn Hải, đơn vị đã nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình nghiệp vụ hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19.

Nguồn: Tổng cục Hải quan     								        Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Tương tự ở Cục Hải quan An Giang, số đã thu nộp ngân sách trong 5 tháng đã đạt 89% chỉ tiêu được giao và đạt 85% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Trần Quốc Hoàn, đơn vị tập trung hướng dẫn, giải đáp kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan, nhất là với các mặt hàng đặc thù như phân bón xuất khẩu qua Campuchia; thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gạch ngói,…

Tuy không “vượt trội” như hai đơn vị nói trên, song số thu của Cục Hải quan Hải Phòng cũng có nhiều khởi sắc. Hết tháng 6, Cục Hải quan Hải Phòng thu ngân sách được 38.420 tỷ đồng, tăng 17,19% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 60,38% dự toán và 57,3% chỉ tiêu phấn đấu. Để đạt kết quả này, Cục Hải quan Hải Phòng thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu hàng tháng của các chi cục trực thuộc, xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Cục Hải quan Hải Phòng đã tổ chức các hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp để cùng bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Cũng nằm trong “top” thu cao với tiến độ đạt 61,7% dự toán, Hải quan Hà Tĩnh thu nộp ngân sách tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2021. Ông Đinh Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh đánh giá, số thu tăng chủ yếu là do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa có nhiều đơn hàng xuất đi nên tăng lượng nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất. Mặt khác, một số mặt hàng có thuế khác cũng tăng sản lượng nhập khẩu như hạt nhựa, sáp nhũ tương, máy móc thiết bị… cũng là nguyên nhân giúp cho số thu đạt khá.

Tạo thuận lợi thương mại là tiên quyết

Xét về tổng thể, nhiệm vụ thu của ngành Hải quan cơ bản tích cực, song, ở một số địa bàn, đây vẫn là một thách thức lớn, chủ yếu do khách quan.

Lạng Sơn là một ví dụ. Địa phương này trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thông quan hàng hóa. Hiện tại, những khó khăn này đã giảm bớt, nhưng vẫn còn do phía Trung Quốc thực hiện rất nghiêm chính sách “Zero Covid”. Bởi khó khăn khách quan đó, số thu của Hải quan Lạng Sơn 6 tháng qua giảm 48,1% so với cùng kỳ 2021, đạt chưa tới 40% dự toán được giao. Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hồng Linh cho biết, năng lực thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn rất chậm, đặc biệt trong quý I/2022. Trước tình hình đó, Hải quan Lạng Sơn triển khai nhiều giải pháp như tăng cường tạo thuận lợi thương mại, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, hội đàm với chính quyền phía Trung Quốc; thiết lập “vùng xanh”, thống nhất phương án giao nhận hàng hóa mới hiệu quả,…

Nắm chắc địa bàn để triển khai biện pháp thu hiệu quả

Căn cứ theo tình hình thu của nửa đầu năm, các đơn vị bám sát hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, nắm bắt kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa thực tế của doanh nghiệp, qua đó phân tích, đánh giá, triển khai các biện pháp thu ngân sách hiệu quả. Các đơn vị cũng thường xuyên rà soát, nắm chắc nguồn thu, phân tích, đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế cũng như ảnh hưởng khách quan khác.

Số thu của Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đến 23/5/2022 cũng giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 41% so với chỉ tiêu được giao. Nguyên nhân do nhiều mặt hàng ghi nhận sụt giảm dẫn tới số thu thuế cũng giảm.

Dù đạt kết quả tích cực hay còn khó khăn thì nhiệm vụ thu nửa cuối năm 2022 của ngành Hải quan cũng vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ công chức và người lao động.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại Chỉ thị số 439/CT-TCHQ ngày 11/2/2022, Công văn số 695/TCHQ-TXNK ngày 2/3/2022, ngành Hải quan cả nước cần tập trung thực hiện các giải pháp mà tiên quyết là tạo thuận lợi thương mại nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu; tăng cường thu, chống thất thu ngân sách nhà nước.