Đập tràn xả lũ, công trình đầu mối hồ chứa nước Ngàn Trươi

Đập tràn xả lũ, công trình đầu mối hồ chứa nước Ngàn Trươi, dự án Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, tỉnh Hà Tĩnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2018 của Bộ NN&PTNT.

PV: Thưa ông, tiến độ giải ngân vốn ĐTC năm 2018 của cả nước và ngành Nông nghiệp sắp kết thúc (tính đến 31/1/2019). Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện vốn ĐTC của ngành năm 2018?

Ông Hoàng Văn Thắng
Ông Hoàng Văn Thắng
- Ông Hoàng Văn Thắng:
Năm 2018, Bộ NN&PTNT tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch vốn ĐTC được giao, đã ban hành chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC; đồng thời thành lập tổ công tác của Bộ chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện và giải ngân kế hoạch nguồn vốn này. Hầu hết các dự án đều đáp ứng tiến độ; trong năm 2018 có 51 dự án đầu tư được hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhiều dự án đã được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm. Với quyết tâm đó, đến 31/1/2019, giải ngân vốn ĐTC ngành Nông nghiệp ước đạt khoảng 96%, trong đó: vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 94%, vốn ODA đạt 95%, vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt 97%.

PV: Kết quả giải ngân vốn ĐTC của cả nước năm 2018 đạt tỷ lệ chưa cao bởi có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, chủ yếu là do chính sách và thủ tục. Phía Bộ NN&PTNT, theo ông thủ tục nào gây khó khăn nhất dẫn đến tình trạng giải ngân chậm?

- Ông Hoàng Văn Thắng: Như chúng ta đã biết, công tác giải ngân năm 2018 của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm. Chúng ta đã “mổ xẻ” nhiều nguyên nhân, trong đó có những nhóm nguyên nhân truyền thống như các địa phương bố trí vốn đối ứng, đền bù giải phóng mặt bằng... Nhưng với Bộ NN&PTNT, đây không phải là nhóm nguyên nhân chính do chúng tôi đã từng bước có biện pháp để khắc phục.

Trong năm 2018, tỷ trọng vốn TPCP của Bộ NN&PTNT rất lớn, chiếm khoảng 50% tổng vốn kế hoạch, vốn ODA chiếm hơn 40%. Với dự án vốn TPCP, có 35 dự án mở mới, từ tháng 4/2017 mới có chủ trương đầu tư, sau đó phải trải qua lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, đấu thầu, từ lúc có tạm ứng cho nhà thầu thì mới có thể giải ngân được. Như vậy, từ khi có chủ trương đầu tư phải trải qua 3 lần mời thầu, lựa chọn nhà thầu, chúng tôi có khoảng 20 tháng để thực hiện, cho nên quá trình này cũng đẩy kết quả giải ngân của ngành chủ yếu tập trung vào tháng 12. Đây cũng là khó khăn của Bộ NN&PTNT trong quá trình thực hiện giải ngân vốn ĐTC.

Với khó khăn, vướng mắc này, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị giải pháp tháo gỡ. Đó là công tác chuẩn bị đầu tư phải được thực hiện trước để khi những dự án lớn vào nhiệm kỳ mới có thể nhanh chóng triển khai các bước thi công và có thể giải ngân sớm. Nếu không chuẩn bị đầu tư trước thì trong một nhiệm kỳ, chúng ta mất khoảng 2 năm đầu loay hoay với câu chuyện trên giấy và khoảng hơn 2 năm sau mới thực hiện trên thực địa, như vậy rất khó để đẩy nhanh kết quả giải ngân vốn đầu tư. Không những vậy, với thời gian ngắn để làm công tác chuẩn bị đầu tư, nếu không làm cẩn thận, kỹ lưỡng thì có nguy cơ dẫn đến lãng phí, không tối ưu. Với các nước, giai đoạn chuẩn bị đầu tư này thường được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, thậm chí đối với những dự án lớn phải nghiên cứu 10-20 năm nhưng đến khi thi công rất nhanh và công trình đạt hiệu quả kinh tế cao. Việt Nam thì ngược lại, giai đoạn chuẩn bị khá ngắn nên lúc thi công thường gặp những phát sinh dẫn đến kéo dài thời gian thi công. Vì thế, chúng tôi đã kiến nghị nên sửa đổi vấn đề này trong Luật ĐTC.

PV: Năm 2019, khối lượng dự án ĐTC ngành Nông nghiệp phải thực hiện rất lớn, nhất là đối với vốn TPCP, với những khó khăn đã nêu, ngành Nông nghiệp sẽ có giải pháp gì để hoàn thành kế hoạch?

- Ông Hoàng Văn Thắng: Năm 2019, vốn kế hoạch các dự án ODA và ngân sách tập trung tương tự như năm 2018 nhưng vốn TPCP khoảng 11.000 tỷ đồng, bằng 2 năm liền kề trước đây cộng lại. Khối lượng tập trung chủ yếu vào 7 dự án chuyển tiếp và 35 dự án mở mới. Đồng thời, khối lượng đền bù và giải phóng mặt bằng rất lớn và khối lượng thi công lớn, không những phải giải ngân hết vốn kế hoạch năm 2019 mà còn phải hoàn ứng khi ký hợp đồng năm 2018...Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT xác định năm 2019 sẽ thực hiện và giải ngân đạt kế hoạch vốn TPCP và ngân sách tập trung, đạt và vượt kế hoạch giải ngân vốn ngoài nước đối với các dự án ODA.

Để hoàn thành mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát định kỳ (theo tháng) để nhận dạng các dự án, nhóm vấn đề mấu chốt, từ đó tháo gỡ kịp thời, đồng thời theo sát tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công; tiến độ duyệt hồ sơ bản vẽ thi công từng dự án. Bên cạnh đó, đôn đốc quyết liệt các chủ đầu tư thực hiện giải ngân theo kế hoạch các chủ đầu tư đã cam kết; đảm bảo chất lượng công trình bằng cách giám sát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng...

Bộ sẽ tăng cường đấu thầu qua mạng theo lộ trình được ban hành tại Quyết định số 1402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Không để đấu thầu kéo dài ảnh hưởng tiến độ dự án; tăng cường công tác kiểm tra, bàn giao đưa các công trình vào vận hành khai thác, góp phần phục vụ tái cơ cấu ngành.

Đối với các dự án trọng tâm của Bộ, sẽ đẩy nhanh việc thẩm định, trình phê duyệt hồ sơ 2 dự án nhóm A vốn TPCP trong trung hạn 2017-2020 (dự án Cái Lớn – Cái Bé và dự án Hồ Cánh Tạng tỉnh Hòa Bình); thông nước kênh chính Tân Mỹ đến trung tâm vùng hạn trong quý II/2019.

PV: Xin cảm ơn ông!

HÀ HẠNH (thực hiện)