Bộ Tài chính đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực Kết quả 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Bộ Tài chính: Luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ để phòng ngừa tham nhũng
Ngành Tài chính công khai, minh bạch để phòng ngừa tham nhũng
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Thực hiện nghiêm quy định trong thực thi công vụ

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như: Thuế, Hải quan; công tác tổ chức cán bộ; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm…

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện tuyên truyền về các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh…

Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhằm giúp cho cán bộ, công chức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, PCTN, tiêu cực. Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã tiến hành kiểm tra 443 cơ quan, tổ chức, đơn vị việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Kết quả, hầu hết các cán bộ, công chức đều nghiêm túc chấp hành đúng quy định trong thực thi công vụ, không có thái độ cửa quyền, hách dịch gây phiền hà cho đơn vị.

Xác định việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là giải pháp cốt lõi giúp ngăn ngừa những hành vi tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

Thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ đúng quy định

Để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong 9 tháng qua, toàn ngành Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 5.666 cán bộ, công chức, viên chức.

Việc chuyển đổi vị trí công tác này được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ giúp ngành Tài chính phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực hiệu quả.

Theo đó, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/9/2023, Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 13 quyết định, công bố bãi bỏ 35 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 25 TTHC; công bố mới 4 TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan, quản lý giá, công sản và quản lý bảo hiểm. Đồng thời, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ, kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện TTHC theo đúng quy định. Đến nay, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 774 thủ tục…

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, với những giải pháp đã thực hiện, hiệu quả PCTN của Bộ Tài chính đã có chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Theo đó, số vụ việc tham nhũng và số lượng đối tượng có hành vi tham nhũng được phát hiện đã giảm nhiều so với các kỳ trước.

Xây dựng cơ chế, chính sách chặt chẽ

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực vừa diễn ra vào trung tuần tháng 8 mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu, các cơ quan chức năng làm công tác PCTN, tiêu cực phải xây dựng những chính sách, thể chế, cơ chế chặt chẽ, thiết thực và có sự phối hợp ăn khớp. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải kiện toàn tốt hơn nữa, có bản lĩnh, trình độ, kiên định, kiên cường, phối hợp chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác PCTN, tiêu cực, xây dựng chính sách, quy định để ngăn chặn từ sớm, từ xa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, các cơ quan chức năng làm công tác PCTN, tiêu cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng thêm một số quy chế cần thiết khắc phục ngay tình trạng né tránh, nể nang, đùn đẩy. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực chỉ đạo về mặt đường lối, tư tưởng, phương pháp, cách làm, chứ không làm thay các cơ quan bên dưới.

Thực hiện các quy định trong PCTN và kiên quyết đẩy lùi những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong toàn ngành, ông Trần Huy Trường cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện rà soát cơ chế, chính sách, chú trọng phát hiện những sơ hở, bất cập trong thể chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm loại bỏ “cơ chế xin - cho”, “lợi ích nhóm”, TTHC rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông Trần Huy Trường cho biết, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết TTHC, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình như: Công bố công khai địa chỉ hòm thư điện tử, số điện thoại tiếp nhận thông tin, phản ánh về hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, toàn ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng thanh tra, kiểm tra theo rủi ro để kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, để thu hồi tiền, tài sản bị vi phạm, tham nhũng cho ngân sách nhà nước, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, góp phần chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

9 tháng đã thực hiện 1.657 cuộc kiểm tra nội bộ

Trong 9 tháng qua, Bộ Tài chính đã thực hiện 4 cuộc thanh tra hành chính theo kế hoạch, lưu hành 5 kết luận thanh tra hành chính tại 5 đơn vị (1 cuộc từ năm trước chuyển sang). Qua thanh tra kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên 100 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị nộp NSNN trên 81 tỷ đồng; xử lý khác về kinh tế trên 19 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện kiến nghị, nộp NSNN trên 63 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị, góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành.

Trong 9 tháng qua, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 1.657 cuộc kiểm tra nội bộ, qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính trên 28 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN trên 19 tỷ đồng (bao gồm số thu lũy kế của các kiến nghị trước); đồng thời kiến nghị xử lý hành chính đối với 412 cá nhân, trong đó đã xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm 409 người.

Trong công tác thanh tra chuyên ngành (TTCN), Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng TTCN thuộc Bộ đã thực hiện 52.520 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 531.631 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 11.329 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính trên 57.520 tỷ đồng.

Qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng TTCN thuộc Bộ đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp NSNN và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm; giúp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách tại các đơn vị đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.