Ngành Tài chính đã rất linh hoạt, chủ động trong điều hành
Bộ Tài chính thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được nguồn chi phục vụ nhu cầu cấp bách.

Bộ trưởng đã rất thẳng thắn, lo lắng cho ngân sách

PV: Những khó khăn mà ngành Tài chính gặp phải thời gian qua chưa từng có tiền lệ. Là cơ quan giữ “tay hòm chìa khóa”, nên khi cần tiền cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh thì buộc phải quán xuyến. Những chia sẻ của đại biểu tại nghị trường cho thấy, ông rất đồng cảm với những việc đã làm được của ngành Tài chính. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

ĐBQH Trịnh Xuân An: Tôi rất chia sẻ với ngành Tài chính trong thời gian qua. Nếu như ngành Y tế chống dịch, cứu người, thì ngành Tài chính làm công tác bảo đảm, đi sau nhưng phải đến trước, rất khó và áp lực cho ngành Tài chính.

Ngành Tài chính đã rất linh hoạt, chủ động trong điều hành
ĐBQH Trịnh Xuân An

Theo báo cáo của Chính phủ mới đây, tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, tổng số kinh phí đã cấp cho công tác phòng, chống dịch là 30,85 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng số tiền cho công tác phòng, chống dịch đã là một khoản chi rất lớn. Chúng ta phải đặt vấn đề, nếu như không phải chi cho phòng, chống dịch thì các khoản đó chi vào các nhiệm vụ khác, thì mới thấy hết được hiệu quả của các khoản chi mà ngành Tài chính phải bố trí thời gian qua.

Tôi rất chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng đã rất thẳng thắn và lo lắng cho ngân sách. 9 tháng qua, ngân sách trung ương hụt thu khoảng gần 30 nghìn tỷ đồng, cộng với việc phải chi ra số lượng tiền rất lớn như đã nêu trên, mới thấy hết được nỗ lực của ngành Tài chính. Trong đó, phải kể đến vai trò của cơ quan thuế và hải quan, hai đơn vị quản lý thu quan trọng của ngành Tài chính đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp để tăng thu ngân sách. Trước hết là tập trung vào những khoản thu có trong dự toán; tiếp đó, tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc xử lý, thu hồi nợ đọng, phấn đấu tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện. Từ đó, bù đắp số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thêm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội và cân đối ngân sách nhà nước (NSNN).

Ngoài ra, các khoản thu như thu từ cổ phần hóa hay thu từ dầu thô, đất đai, chúng ta đã có đánh giá nhất định, tôi cho rằng, đây là những nguồn lực rất lớn. Trong điều hành, Bộ Tài chính đã hết sức linh hoạt, chủ động. Chủ động trong chống dịch và chủ động trong việc “kiếm tiền”, huy động kiếm tìm thêm nguồn lực cho Chính phủ chi chống dịch.

Trong đó, cơ quan thuế, cơ quan hải quan và các địa phương đã chủ động rà soát rất kỹ các nguồn thu, tăng cường thu các khoản nợ đọng, siết chặt kỷ cương, không bỏ sót nguồn thu.

Theo báo cáo của Chính phủ mới đây, tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, tổng số kinh phí đã cấp cho công tác phòng, chống dịch là 30,85 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng số tiền cho công tác phòng, chống dịch đã là một khoản chi rất lớn. Chúng ta phải đặt vấn đề, nếu như không phải chi cho phòng, chống dịch thì các khoản đó chi vào các nhiệm vụ khác, thì mới thấy hết được hiệu quả của các khoản chi mà ngành Tài chính phải bố trí thời gian qua.

Một điểm đặc biệt phải kể đến đó là, dù chúng ta phải thực hiện miễn, giảm thuế cho nhiều đối tượng, thực hiện các gói hỗ trợ (chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ), nhưng ngành Tài chính đã linh hoạt và chủ động, để trong khó khăn chúng ta vẫn đảm bảo được nguồn chi, phục vụ các nhu cầu cấp bách.

Thu trên nền tảng số là hướng đi đúng

PV: Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã khẳng định quan điểm, để đảm bảo cân đối nguồn thu với nhiệm vụ chi, ngành Tài chính sẽ tập trung thu các lĩnh vực tiềm năng lâu nay không thu được và không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như thu trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử… Ông thấy cách tiếp cận này như thế nào, thưa ông?

ĐBQH Trịnh Xuân An: Tôi được biết, Bộ Tài chính tiếp tục sử dụng linh hoạt chính sách tài khóa, bằng việc triển khai các giải pháp thu như: tập trung thu các lĩnh vực tiềm năng lâu nay chúng ta không thu được nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Đó là thu trên nền tảng số, các sàn thương mại điện tử và triển khai thu các lĩnh vực tiềm năng như thu từ khoáng sản.

Trên thực tế, trong khó khăn phải miễn, giảm, giãn thuế cho người dân, doanh nghiệp, nhưng phải nuôi dưỡng nguồn thu, các giải pháp quản lý thu sẽ không đạt được hiệu quả cao nếu như chỉ chăm chăm vào thu thuế của doanh nghiệp.

Đối với người nộp thuế, phải nộp đúng, nộp đủ; với cơ quan thuế là phải thu đúng, thu đủ vào ngân sách. Không để thất thu, tránh tình trạng chuyển giá, gian lận, trốn thuế. Còn rất nhiều khoản chúng ta chưa thu được, hoặc đã thu nhưng chưa hiệu quả, đó là thu thuế thương mại điện tử, quảng cáo qua các trang mạng…, đó là các nguồn thu rất lớn, nếu chúng ta đầu tư về công nghệ và có phương pháp hợp lý thì sẽ thu vào ngân sách một nguồn lực lớn.

Tôi nghĩ rằng cách thức tiếp cận đó của Bộ trưởng Bộ Tài chính là rất hợp lý. Bởi vì trong bối cảnh nào phải thích ứng với bối cảnh đó, quản lý phân minh nhưng phải có tính hợp lý và thể hiện vai trò, trách nhiệm của người điều hành.

Phải có lộ trình bù đắp các khoản thu hợp lý

PV: Quay trở lại câu chuyện điều hành chính sách tài khóa trong bối cảnh hiện nay, ông có thể cho một vài gợi ý về những giải pháp căn cơ hơn, nhất là ở thời điểm sau đại dịch, khi kinh tế phục hồi?

ĐBQH Trịnh Xuân An: Giai đoạn sắp tới chưa hẳn đã hết khó khăn, khi chúng ta phải thực hiện miễn, giảm, giãn thuế cho rất nhiều đối tượng, sẽ tác động trực tiếp tới thu của ngân sách trung ương.

Tôi thấy vai trò của Bộ trưởng Bộ Tài chính thời gian qua rất chủ động, trách nhiệm. Sự điều hành, tinh thần trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính, nhất là cơ quan thuế, hải quan, chứng khoán, kho bạc, dự trữ sẽ góp phần vào thành công của ngành Tài chính.

Tôi cho rằng trong khó khăn này, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phải nỗ lực hơn rất nhiều. Khi xác định khoản nào thu được, thì phải nỗ lực tối đa, còn các khoản nào xác định miễn, giảm, giãn, các khoản xác định không thể thu thì chúng ta phải có lộ trình bù đắp hợp lý.

Về lâu dài khi sản xuất trở lại bình thường, thì ngành Tài chính phải có chuyển trạng thái nhất định. Khi chúng ta đang phải đi tìm và bảo vệ nguồn thu thì phải nuôi dưỡng thêm, đồng thời phải lên các kịch bản điều hành, khi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Trên cơ sở đó, có đề xuất hợp lý để Quốc hội, Chính phủ có cơ chế phù hợp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Khoán chi để tiết kiệm hơn

Trong điều hành ngân sách, nhắc đến thu thì phải có chi. Những bất cập trong chi tiêu công của một số đơn vị sử dụng ngân sách vẫn luôn là mối quan tâm của Quốc hội và cử tri. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Trịnh Xuân An cho rằng, đây đúng là bệnh trầm kha mà không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Hiện các quy định về chi tiêu công đã có đầy đủ, chuẩn mực, toàn diện, nhưng cách điều hành và xử lý cụ thể còn nhiều vấn đề đặt ra. Hàng năm, báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách đều có nêu, các khoản chi, đặc biệt chi thường xuyên dù cải thiện trong những năm qua, nhưng vẫn cao.

Nguyên nhân là do hệ thống chi thường xuyên lớn quá, do nước mình có điều kiện đặc thù, chúng ta phải chi cho nhiều đối tượng, đặc biệt là chi cho khối hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Hàng năm chúng ta báo cáo về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trong đó có chi thường xuyên, chi cho đơn vị sự nghiệp còn lãng phí không hề nhỏ, cũng như trong thực hiện kỷ luật chi của một số đơn vị sử dụng ngân sách còn chưa chặt chẽ.

Giải pháp tới đây để làm tốt hơn, nên chăng thực hiện phương pháp khoán. Tôi cho rằng, khoán chi là giải pháp phù hợp nhất. Chúng ta không thể không chi, nhất là chi cho con người, bộ máy, nhưng vẫn có thể tiết kiệm hơn nếu như khoán chi, căn cứ vào vị trí việc làm, công việc, chi gắn với nội dung và sản phẩm cụ thể.