Ngày 10/5: Giá dầu thô
Giá dầu thô tiếp đà tăng trong phiên giao dịch sáng ngày 10/5. Ảnh tư liệu

Giá dầu thô tiếp đà tăng

Giá dầu thô tăng lên cao nhất một tuần trong phiên giao dịch ngày 9/5 sau khi dữ liệu từ Trung Quốc và Mỹ cho thấy nhu cầu tại hai quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới có thể tăng.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 0,4% lên 83,8 USD và giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,3% lên 79,3 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất đối với cả hai loại dầu kể từ ngày 30/4.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 10/5, giá dầu thô tiếp đà tăng. Tại thời điểm 7h30 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ổn định ở 84,2 USD trong khi giá dầu WTI tăng 0,48% lên 79,64 USD/thùng.

Giá gas duy trì đà tăng

Mở cửa phiên giao dịch sáng 10/5, giá gas tại thị trường thế giới tăng 0,22% lên mức 2,31 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2024.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tăng do sản lượng tiếp tục giảm và dự báo nhu cầu cao hơn trong hai tuần tới so với dự kiến ​​trước đó.

Tại Mỹ, nhu cầu tăng lên do lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng lên và do thời tiết nắng nóng ở Texas đã thúc đẩy lượng máy phát điện chạy bằng khí đốt để duy trì hoạt động của máy điều hòa không khí.

Tại châu Âu, Reuters đưa tin, công ty tiện ích EnBW của Đức cho biết, đã ký hợp đồng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) 15 năm với Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC). Theo đó, ADNOC sẽ cung cấp 0,6 triệu tấn LNG mỗi năm cho EnBW, bắt đầu từ năm 2028.

Ở một diễn biến khác, Trung Quốc đã nhập khẩu 43 triệu tấn khí đốt tự nhiên trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2024, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tháng 4 đã chứng kiến nhập khẩu 10,3 triệu tấn. Tổng giá trị khí đốt được mua trong bốn tháng đầu năm đạt hơn 21 tỷ USD.

Theo một số nhà phân tích, việc nhập khẩu khí đốt tăng vọt có thể là do giá LNG toàn cầu giảm. Cụ thể, giá nhập khẩu khí đốt trung bình giảm 15% trong giai đoạn này./.