Giá tiêu hôm nay tăng 500 đồng/kg tại một vài nơi. Ảnh tư liệu |
Giá tiêu tăng 500 đồng/kg
Ghi nhận mới nhất, giá tiêu hôm nay tăng 500 đồng/kg tại một vài nơi. Cụ thể, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cùng điều chỉnh giao dịch lên 142.000 đồng/kg - ngang với tỉnh Đắk Lắk. Tỉnh Đồng Nai nâng giá thu mua lên mức 141.500 đồng/kg. Hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước tiếp tục neo ở mức 141.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá giao dịch tiêu đen Lampung (Indonesia), giá thu mua tiêu đen Brazil ASTA 570 và giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA duy trì ổn định so với ngày 9/8; giá thu mua tiêu trắng Muntok và giá tiêu trắng Malaysia ASTA không có thay đổi mới.
Giá cao su tăng giảm trái chiều
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 tăng 0,15% lên mức 331 yen/kg tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h ngày 12/8 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 9/2024 giảm 0,27% ở mức 14.550 Nhân dân tệ/tấn.
Theo The Hindu Business Line, Giám đốc điều hành Hội đồng Cao su Ấn Độ ông M Vasantha Gesan cho biết mưa lớn làm giảm đáng kể số ngày khai thác, đặc biệt là những khu vực trồng nhiều cao su.
Trích dẫn số liệu thống kê niên vụ 2023 - 2024, ông cho biết sản lượng là 857.000 tấn, thấp hơn nhiều so với mức tiêu thụ 1,4 triệu tấn. Lượng nhập khẩu là gần 500.000 tấn trong khi xuất khẩu gần 4.200 tấn.
Bất chấp sự tăng giá gần đây của giá cao su thiên nhiên, Vasantha Gesan cho biết Hội đồng cam kết đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng thông qua các chiến lược phù hợp bằng cách mang đến các giải pháp bền vững cho cả nhà sản xuất chính và người tiêu dùng.
Giá cà phê thế giới trên đà lao dốc
Theo ghi nhận mới nhất, giá cà phê trên thị trường thế giới trên đà lao dốc. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 9/2024 được ghi nhận tại mức 4.326 USD/tấn, giảm 2,48%; giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tại New York ở mức 234,05 UScent/pound sau khi giảm 4,59%.
Nguồn cung cà phê Robusta toàn cầu sụt giảm đã đẩy giá mặt hàng này tăng liên tục trong những tháng đầu năm. Việt Nam, quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, được cho là đã hưởng lợi từ xu hướng này.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 cũng giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU. Đặc biệt, đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm cà phê khác, khi mức thuế đã được đưa về 0%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế biến và nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam, từ đó tăng cường kim ngạch xuất khẩu vào EU.
Việt Nam hiện đã vượt qua nhiều nước sản xuất hàng đầu khác như Ấn Độ, Thụy Sỹ, Brazil… để trở thành nhà cung cấp cà phê chế biến (cà phê hòa tan, hỗn hợp cà phê) hàng đầu vào EU chỉ sau thị trường Anh.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê hoà tan và các chiết suất từ cà phê (HS 2101) của Việt Nam vào EU trong 5 tháng đầu năm đã tăng đến 86% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 64,5 triệu EUR. Gấp đôi so với mức tăng trưởng 40% đạt 1 tỷ EUR của nhóm cà phê nhân (HS 0901).
Mặc dù vậy, cà phê nhân (HS 0901) hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn khoảng 94% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU so với mức 6% của cà phê hoà tan và các chiết suất từ cà phê./.