Ngày 13/6: Giá tiêu tiếp đà tăng phi mã, cà phê duy trì xu hướng giảm
Giá tiêu hôm nay tăng mạnh tại các địa phương. Ảnh tư liệu

Giá tiêu chạm mốc 180.000 đồng/kg

Khảo sát mới nhất cho thấy, giá tiêu tăng mạnh tại các địa phương. Theo đó, mức giao dịch cao nhất hiện được ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông là 180.000 đồng/kg sau khi bật tăng 9.000 đồng/kg. Cùng mức tăng trên, tỉnh Đắk Lắk nâng giao dịch lên mức 179.000 đồng/kg. Thương lái tại Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai đang cùng thu mua hồ tiêu với giá 176.000 đồng/kg, tăng 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới thế giới, giá giao dịch tiêu đen Lampung (Indonesia) giảm 0,02%, giá thu mua tiêu đen Brazil ASTA 570 và giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA duy trì ổn định so với ngày 11/6; giá thu mua tiêu trắng Muntok giảm 0,01%, còn giá tiêu trắng Malaysia ASTA không có điều chỉnh mới.

Tính đến hết tháng 5 Việt Nam đã xuất khẩu 114.424 tấn hồ tiêu, tương đương gần 70% sản lượng của niên vụ hiện tại. Điều này khiến nguồn cung ngày càng thu hẹp, lượng tiêu dành cho xuất khẩu không còn nhiều trong khi mùa thu hoạch năm 2025 vẫn còn 8 tháng nữa mới đến. Đây là thách thức không nhỏ đối với thị trường hồ tiêu khi nguồn cung được dự báo thấp hơn nhu cầu toàn cầu.

Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu tiêu từ các nước khác để chế biến. Tuy nhiên, việc mua nguyên liệu từ nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn do giá tiêu thế giới tăng cao và sản lượng toàn cầu giảm do thời tiết bất lợi.

Theo số liệu của VPSA, Việt Nam đã nhập khẩu 16.052 tấn hồ tiêu các loại trong 5 tháng đầu năm, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Brazil là quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam đạt 7.106 tấn, chiếm 44,3% tuy nhiên so cùng kỳ 2023 giảm 7,5%. Campuchia đứng thứ 2 đạt 5.675 tấn, chiếm 35,4% thị phần và tăng 170,1% so với cùng kỳ năm trước.

Giá tiêu Brazil tăng cao và có nhiều thời điểm vượt giá bán của Việt Nam trên thị trường thế giới, điều này khiến cho việc nhập khẩu nguyên liệu từ quốc gia Nam Mỹ này đang có chiều hướng giảm.

Dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho thấy, giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil đang được giao dịch ở mức 6.800 USD/tấn, tăng gấp 2 lần so với đầu năm nay.

Giá cao su quay đầu tăng trở lại

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 7/2024 tăng 1,44% lên mức 352 yen/kg tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h ngày 13/6 (giờ Việt Nam).

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 7/2024 tăng 0,81% ở mức 15.630 Nhân dân tệ/tấn.

Giá mua tại các điểm thu mua, mủ đã nhích lên trên 400 đồng/độ được xem là cao nhất từ khi rớt giá. Từ tháng 5 đến nay, giá thu mua mủ cao hơn so với cùng kỳ năm trước từ 80 - 120 đồng/độ. Người trồng cao su ở địa phương rất phấn khởi, qua đó mạnh dạn chăm sóc, bón phân nhằm mang lại năng suất mùa vụ cao. Giá nhích lên như hiện nay, bà con có lãi cũng như chi công chăm sóc, nhân công, phân bón...

Cập nhật thông tin giá cà phê

Theo ghi nhận mới nhất, giá cà phê trên thị trường thế giới duy trì xu hướng giảm. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 7/2024 được ghi nhận tại mức 4.179 USD/tấn, giảm 0,41%; Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tại New York ở mức 216,75 UScent/pound sau khi giảm 1,72%.

Giá cà phê thế giới được theo dõi và tổng hợp ICO (I-CIP) đạt trung bình 208,4 US cent/pound trong tháng 5, giảm 3,9% so với mức đỉnh 13 năm đạt được vào tháng trước, nhưng vẫn tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ICO, trong nửa đầu tháng 5, giá cà phê thế giới giảm 10,3% từ 217,5 US cent/pound xuống còn 195,1 US cent/pound, do mưa bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới. Điều này làm giảm bớt nỗi lo về hạn hán trên diện rộng, khiến người nông dân lo ngại sẽ gây ra thiệt hại không thể phục hồi cho cây cà phê trong niên vụ 2024-2025.

Tuy nhiên, giá cà phê đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trở lại trong nửa cuối tháng 5 và tăng từ 195,1 US cent/pound lên 220,7 US cent/pound khi sự không chắc chắn về nguồn cung của vụ mùa 2024-2025 tiếp tục gia tăng, không chỉ ở hai quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu mà còn ở Trung Mỹ do thời tiết khô hạn và nhiệt độ cao hơn mức trung bình.

Giá cà phê còn được hỗ trợ bởi sự mạnh lên của đồng USD so với đồng nội tệ Brazil (từ 1 USD/5,05 BRL vào ngày 8/5 lên mức 1 USD/5,2 BRL ngày 30/5).

Dù đã tăng trở lại vào cuối tháng nhưng tính chung trong cả tháng 5 giá của các nhóm cà phê vẫn giảm so với tháng trước. Trong đó robusta giảm mạnh nhất, giảm 4,5% xuống còn trung bình 185 US cent/pound./.