Người dân, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường

Trồng một cây cũng góp phần bảo vệ môi trường.

PV: Luật BVMT 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 có nhiều điểm mới được cho là sẽ tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội. Xin ông cho biết những điểm đáng chú ý có tính đột phá của Luật BVMT năm 2020 so với Luật BVMT năm 2014?

Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Luật BVMT năm 2020 thể hiện xuyên suốt quan điểm BVMT phải lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khắc phục được sự phân tán, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc định hình chuyển đổi các mô hình kinh tế theo hướng bền vững; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cam kết quốc tế, trách nhiệm được quy định trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Người dân, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường
Ông Nguyễn Hưng Thịnh

Trên cơ sở các quan điểm này, Luật BVMT 2020 có rất nhiều điểm mới. Đáng chú ý là cộng đồng dân cư được xác định là một chủ thể trong công tác BVMT thông qua các quy định về tăng cường công khai thông tin về môi trường, tham vấn trong thực hiện đầu tư mới, cấp giấy phép môi trường (GPMT)... Các quy định này nhằm phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.

Điểm mới so với trước đây là các dự án đầu tư được phân loại theo tiêu chí về môi trường để từ đó áp dụng các công cụ quản lý môi trường khác nhau theo mức độ tác động đến môi trường. Theo đó, dự án có tác động lớn đến môi trường sẽ được kiểm soát chặt chẽ, áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để sàng lọc và quản lý; hậu kiểm đối với các dự án thân thiện với môi trường, ít có tác động xấu đến môi trường.

Hơn nữa, Luật BVMT năm 2020 cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC) thông qua việc tích hợp toàn bộ các giấy phép, giấy xác nhận về môi trường vào 1 GPMT và bãi bỏ các giấy phép có liên quan, qua đó giảm chi phí cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đồng thời vẫn bảo đảm kiểm soát được các tác động môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Tiếp tục triển khai thực hiện
Luật Bảo vệ môi trường

Cơ quan chức năng tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 343/QĐ-TTg (ngày 12/3/2021) về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về môi trường; tăng cường công tác hậu kiểm; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp thực hiện luật.

Điểm mới mang tính đột phá của Luật BVMT năm 2020 là thúc đẩy hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải; thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường thông qua các quy định về: giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; nhãn sinh thái Việt Nam; mua sắm công xanh; ưu đãi, hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

PV: Để hiện thực hóa Luật BVMT, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhằm thể chế hóa các vấn đề cải cách TTHC, đặc biệt là những quy định liên quan đến GPMT. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những quy định này ?

Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Luật BVMT năm 2020 đánh dấu một bước tiến lớn trong việc cải cách các TTHC về môi trường trong quản lý các dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đặc biệt là việc đưa ra công cụ quản lý thống nhất là GPMT.

Với quy định này, doanh nghiệp chỉ phải thực hiện 1 GPMT thay vì phải thực hiện nhiều loại giấy phép, giấy xác nhận như trước đây, qua đó giảm thời gian và chi phí thực hiện của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Đây là công cụ quản lý môi trường đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Tinh thần cải cách TTHC được thế hiện tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP liên quan đến chế định GPMT; đặc biệt là việc giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm; rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC cho doanh nghiệp; đơn giản hóa hồ sơ và tăng cường giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

PV: Luật BVMT năm 2020 đã có hiệu lực, Tổng cục Môi trường với vai trò là cơ quan thực thi triển khai bộ luật quan trọng này đi vào cuộc sống, ông có khuyến nghị gì đối với các bộ, ngành địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân, khi triển khai thực hiện?

Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Để thực hiện các chính sách nhất là các chính sách mới của Luật BVMT năm 2020 đạt mục tiêu, hiệu quả, tôi cho rằng các bộ, ban, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nội dung quan trọng.

Đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các lĩnh vực có liên quan nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.

Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cần chủ động nghiên cứu luật và các văn bản hướng dẫn để bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu về BVMT qua đó thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác BVMT.

Từ các chính sách, quy định có liên quan, tôi xin nêu thông điệp ngắn gọn của Luật BVMT năm 2020 đưa ra đối với người dân và doanh nghiệp là “Người dân, doanh nghiệp có vai trò, vị trí trung tâm đối với công tác bảo vệ môi trường. Tích cực, chủ động và tham gia có trách nhiệm vào công tác BVMT chính là bảo đảm sức khỏe, chất lượng sống của chính mình và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thay đổi lớn trong quản lý cách thức quản lý rác thải sinh hoạt

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra quy định thay đổi lớn trong cách thức quản lý rác thải sinh hoạt rất đáng được quan tâm và chia sẻ của người dân. Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, nếu như trước đây, quy định hiện hành thực hiện việc thu phí rác thải sinh hoạt dựa trên bình quân hộ hoặc theo đầu người, thì tới đây, việc thu phí sẽ theo nguyên tắc thu theo khối lượng, thể tích của chất thải các hộ gia đình thải bỏ. Đây cũng là cơ chế để thúc đẩy việc tăng cường phân loại rác thải tại nguồn.

Theo quy định, rác thải sẽ được phân làm 3 loại: rác thải tái chế, rác thải thực phẩm và rác thải còn lại. Để thực hiện cơ chế này, luật cũng quy định đơn vị thu gom rác thải có quyền từ chối việc thu gom nếu rác thải không được phân loại theo đúng quy định. Đồng thời, luật quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội phải cùng tham gia, vào cuộc để thực hiện trách nhiệm giám sát đối với người dân trong việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Đánh giá về tác động của quy định nêu trên, ông Nguyễn Hưng Thịnh cho rằng, mọi nỗ lực đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào cuộc sống đều nhằm hướng tới xây dựng một môi trường xanh - sạch - đẹp. Đây là một trong những chế định sẽ góp phần thúc đẩy, tăng cường thu gom, xử lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam hiện nay. Qua đó, hạn chế được việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất.