Cụ thể, kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng được tăng từ 6,5% lên mức 10% năm 2015 và 8% lên mức 10% năm 2016, kịp thời đáp ứng các nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng dành hỗ trợ NHCSXH về trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tính từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã tăng thêm được 2.677 tỷ đồng, riêng 11 tháng đầu năm 2016 tăng 1.674 tỷ đồng. Điển hình một số tỉnh, thành phố chuyển nguồn vốn ủy thác cho vay nhiều như: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hà Nội, Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc...
Về nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH, tổng nguồn vốn hoạt động đến nay đạt 162.694 tỷ đồng, tăng 16.234 tỷ đồng so với năm 2015; tổng dư nợ 155.340 tỷ đồng, tăng 12.811 tỷ đồng (+9%) so với năm 2015.
Tuy nhiên, NHCSXH cho hay, đến nay một số địa phương còn triển khai thực hiện Chỉ thị chậm, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, chưa có các biện pháp cụ thể và tích cực để cải thiện chất lượng tín dụng. Có địa phương đang chờ cơ chế, chính sách, kế hoạch cụ thể theo chỉ đạo tại Chỉ thị.
Thời gian tới NHCSXH tiếp tục chỉ đạo hệ thống triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW theo kế hoạch đã đề ra và tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ban ngành trong việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị.
NHCSXH cũng đề nghị tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội về nguồn vốn, kiện toàn Ban đại diện HĐQT và nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể địa phương, cơ sở trong việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.
Hồng Quyên