Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trình bày Báo cáo tổng kết ngành Tài chính năm 2014 tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh
Tại hội nghị, Báo cáo tổng kết ngành Tài chính năm 2014 do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trình bày đã nêu rõ, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến rất phức tạp. Ở trong nước, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014 Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Thu ngân sách nhà nước đạt 106,2% dự toán
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết: Năm 2014 toàn ngành đã tập trung triển khai các giải pháp tài chính - NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp. Trong quá trình điều hành, bám sát tình hình thực hiện đã chủ động trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định một số giải pháp, điều chỉnh chính sách về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp (Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ); trên cơ sở đó, khẩn trương hướng dẫn và tổ chức thực hiện; định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp.
Đồng thời, đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, trong đó điều chỉnh một số chính sách ưu đãi thuế (miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế); khẩn trương hướng dẫn tổ chức thực hiện, góp phần giảm thiểu chi phí tuân thủ thủ tục thuế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế.
Điều hành quyết liệt thu, chi NSNN; phấn đấu tăng thu, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.
Cụ thể, trên cơ sở số thu 9 tháng đầu năm và làm việc với các địa phương, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội đánh giá thu năm 2014 đạt 110,6% (vượt 63,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán. Kết quả đến ngày 22/12/2014 thu NSNN là 831,19 nghìn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán, bằng 98,2% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội; trong đó: thu nội địa đạt 105% dự toán, bằng 98,6% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 118,4% dự toán, bằng 94,3% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 104,5% dự toán, bằng 100,1% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội. Ước tính cả năm thu NSNN đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.
Nguồn vượt thu NSNN dành 10 nghìn tỷ đồng chuyển nguồn sang 2015 thực hiện chính sách tiền lương; phần còn lại tập trung thanh toán nợ và tăng chi trả nợ của NSNN. Bên cạnh đó, ngành đã tập trung chỉ đạo quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; nâng cao hiệu quả; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Bội chi NSNN được điều hành trong phạm vi Quốc hội quyết định là 224 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,3%GDP.
"Để đảm bảo nguồn bù đắp bội chi NSNN, đáp ứng nhu cầu cho đầu tư phát triển và các nhu cầu khác của NSNN, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch huy động và giao các đơn vị triển khai thực hiện; đồng thời kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện hàng tháng, hàng quý, để có điều chỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn. Nhờ vậy, công tác huy động đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra, đáp ứng yêu cầu đảm bảo cân đối NSNN", Thứ trưởng Trần Xuân Hà khẳng định.
![]() |
Toàn cảnh hội nghị ngành Tài chính sáng ngày 24/12/2014. Ảnh: Duy Thái |
Tăng cường hoàn thiện các thể chế tài chính
Năm 2014, toàn ngành Tài chính đã tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo khả năng trả nợ. Dự kiến dư nợ công đến hết năm 2014 là 60,3% GDP, nợ Chính phủ là 46,9% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 39,9%GDP, đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, ngành tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát...
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Tính đến tháng 11/2014, đã có 90/108 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được cấp thẩm quyền phê duyệt đề án tái cơ cấu. Trong 11 tháng năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 177 doanh nghiệp (trong đó: cổ phần hóa 115 doanh nghiệp, sáp nhập 62 doanh nghiệp). Việc thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) cũng đạt những kết quả khả quan, với tổng vốn đầu tư đã thoái trong 10 tháng năm 2014 là 2.415 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2013.
“Tuy bước đầu đã đạt được kết quả nhất định, song tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa vẫn chậm", Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.
Trong năm 2014, công tác tổ chức điều hành thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đã được ngành Tài chính triển khai tích cực, chủ động. NSNN luôn đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán, bao gồm cả chi đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh...
Theo kế hoạch, trong năm 2014 Bộ Tài chính được giao xây dựng 56 đề án (5 luật của Quốc hội; 20 nghị định của Chính phủ; 13 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 18 đề án khác). Thứ trưởng Trần Xuân Hà báo cáo, Bộ đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội.
“Ngành tiếp tục đẩy mạnh việc hiện đại hoá gắn với cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan; tập trung thực hiện quyết liệt việc cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế nhằm rút ngắn số giờ kê khai, nộp thuế cho các doanh nghiệp để đạt mức trung bình các nước ASEAN 6 vào năm 2015”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng cho biết thêm, trong năm 2014, Thanh tra Bộ Tài chính và các Tổng cục đã triển khai trên 70 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực: quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý các nguồn kinh phí tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp; quản lý giá, thuế, hải quan, nợ công, dịch vụ chứng khoán, bảo hiểm. Qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính trên 16,9 nghìn tỷ đồng; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính./.
H.Minh