Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024: Chống lãng phí tài sản công, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực quốc gia Khai mạc Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 |
Phát biểu bế mạc Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 với chủ đề “Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế”, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Diễn đàn đã trải qua một ngày làm việc tích cực và sôi nổi.
Các bài tham luận và các phiên thảo luận chuyên sâu đã đem đến một cái nhìn tổng quan về những thách thức kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế Việt Nam, cũng như các giải pháp tài chính thiết thực để thúc đẩy tổng cầu và tạo động lực phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
TS Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính phát biểu bế mạc diễn đàn. Ảnh: Đức Minh |
Mặc dù, thời gian chưa đủ cho tất cả các quý vị thảo luận, phát biểu ý kiến, nhưng Diễn đàn đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực: Về số lượng đại biểu tham dự: Đã có khoảng hơn 200 đại biểu tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ các cơ quan trung ương, các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các tập đoàn kinh tế, hiệp hội, doanh nghiệp, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính. Diễn đàn cũng đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan thông tấn, báo chí.
Các nội dung chính của những vấn đề đã trao đổi, thảo luận như sau:
Một là, diễn đàn đã tập trung làm rõ tình hình bối cảnh kinh tế quốc tế tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ tăng trưởng chậm, lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng; triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024-2025 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ.
"Qua 1 ngày trao đổi, chúng ta đã nghe 6 bài tham luận và khoảng 20 ý kiến trao đổi, thảo luận tích cực về các vấn đề liên quan đến chủ đề của Diễn đàn. TS Nguyễn Như Quỳnh cho rằng, chúng ta đã cùng nghe các nghiên cứu và khuyến nghị từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, đến từ nhiều tổ chức quốc tế, quốc gia, lãnh đạo của các cơ quan quản lý chuyên ngành, các nhà nghiên cứu và đại diện từ khối tư nhân" - TS Nguyễn Như Quỳnh thông tin. |
Diễn đàn cũng đã phân tích, đánh giá và rút ra để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần vượt qua thách thức như suy giảm tổng cầu, chất lượng tăng trưởng chưa cải thiện và các yếu tố bất định từ kinh tế thế giới.
Diễn đàn đã nhận diện những điểm nghẽn, rào cản và những thách thức đặt ra đối với tổng cầu như: hai thành phần quan trọng của tổng cầu là tiêu dùng và đầu tư đang suy giảm; giải ngân vốn đầu tư công mặc dù cải thiện nhưng vẫn chậm và chưa đạt hiệu quả như mong muốn; xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu toàn cầu giảm và các rào cản thương mại gia tăng.
Hai là, diễn đàn đã nhận diện và phân tích những thách thức đối với chính sách tài khóa trong kích cầu nền kinh tế khi dư địa để thực hiện các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế thu hẹp.
Diễn đàn cũng đã thảo luận các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, tập trung vào đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lựa chọn tập trung vào các dự án có tác động lớn đến kinh tế và xã hội, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian phê duyệt các dự án đầu tư công đồng thời đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong triển khai các dự án đầu tư công.
Đối với chính sách tài khóa, các giải pháp được đưa ra gồm giảm một số loại thuế và phí để hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng, cải cách hệ thống quản lý tài chính công, tăng cường minh bạch trong quản lý ngân sách và đảm bảo trách nhiệm giải trình, hiện đại hóa quy trình lập và thực hiện ngân sách để tăng hiệu quả và giảm lãng phí.
Các đại biểu tham gia phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đức Minh |
Ba là, diễn đàn đã tập trung vào các chính sách tài chính tạo động lực phát triển doanh nghiệp. Diễn đàn đã đề xuất các giải pháp cải thiện khả năng tiếp cận vốn, tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, phát triển các ngành sản xuất chiến lược và thúc đẩy tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.
TS Nguyễn Như Quỳnh gửi cảm ơn sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) trong tổ chức Diễn đàn và mong rằng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các quý vị đại biểu trong các Diễn đàn Tài chính Việt Nam những năm tới cũng như đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. |
Từ các bài học kinh nghiệm quốc tế của Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia châu Âu, các định hướng và giải pháp đã được gợi mở như phát triển Chính phủ nền tảng số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý tài chính công và cung cấp dịch vụ tài chính công…, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển vững mạnh trong dài hạn.
Nhiều đề xuất giải pháp của các đại biểu tham dự Diễn đàn có tính khả thi, đột phá và có giá trị thực tiễn cao. Những đóng góp này là nguồn tư liệu quý báu cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách tài chính phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo tính bền vững và bao trùm cho tất cả các thành phần trong nền kinh tế.
Bộ Tài chính sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu kỹ những ý kiến, đề xuất của quý vị đại biểu hôm nay tại Diễn đàn để có những đề xuất, tham mưu chính sách và điều hành với Chính phủ trong thời gian tới./.