Ảnh minh họa. Ảnh: TL
Các liên danh nhà đầu tư đã có đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình Thủ tướng Chính phủ hình thức đầu tư dự án đường cao tốc Ninh Bình – Nghi Sơn, Thanh Hóa dài 106 km theo phương án chia thành 2 dự án BOT và ngân sách Nhà nước, với tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng.
Cụ thể, liên danh Tập đoàn xây dựng Miền Trung-CtyCP Đầu tư Xây dựng Bắc Ái xin làm đoạn đường cao tốc Ninh Bình từ nút giao Mai Sơn đi Thanh Hóa (nút giao Quốc lộ 47 - Đông Xuân) dài 53km.
Theo đề xuất, đoạn đường cao tốc từ Ninh Bình (nút giao Mai Sơn) - Quốc lộ 217 (nút giao Hà Lĩnh), dài khoảng 30,5km có tổng mức đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BOT. Riêng đoạn cao tốc từ Quốc lộ 217 (nút giao Hà Lĩnh) - Thanh Hóa (nút giao Quốc lộ 47-Đông Xuân), dài khoảng 22,5km, tổng mức đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng sẽ làm bằng ngân sách Nhà nước.
Với 53km còn lại của dự án đoạn Ninh Bình (nút giao Mai Sơn) đi Thanh Hóa (nút giao Quốc lộ 47 - Đông Xuân), liên danh nhà đầu tư Công ty Thái Sơn - Tập đoàn Miền Trung - Tập đoàn Phúc Lộc - Tập đoàn Cường Thịnh Thi cũng đã đề nghị Bộ GTVT giao cho thực hiện.
Theo đề xuất, đoạn đường cao tốc từ Thanh Hóa (nút giao Quốc lộ 47-Đông Xuân) đến Minh Châu, dài khoảng 25km, tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng sẽ được thực hiện theo hình thức BOT. Còn đoạn cao tốc từ Minh Châu đến Nghi Sơn (Thanh Hoá), dài khoảng 28km tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng sẽ được thực hiện bằng NSNN.
Liên danh nhà đầu tư cam kết ứng vốn trước để thi công đoạn cao tốc thực hiện bằng ngân sách Nhà nước, lãi vay được tính vào phương án tài chính của dự án BOT để đảm bảo tính khả thi của dự án BOT trong việc tính toán hoàn vốn và việc thẩm định tài trợ phần vốn vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, Liên danh nhà đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, bố trí vốn hoàn trả cho nhà đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 và 2020 - 2025, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vượt thu ngân sách Trung ương hàng năm, nguồn vốn kết dư và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn trả phần vốn nhà đầu tư đã ứng trước. Trong trường hợp ngân sách Nhà nước có vốn, có thể bố trí sớm hơn để hoàn trả vốn cho nhà đầu tư.
Nếu được chấp thuận, liên danh nhà đầu tư cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện dự án một cách tốt nhất đảm bảo chất lượng và sớm đưa dự án vào khai thác./.
Trí Dũng