“Ngoạn mục” trên cả sơ cấp và thứ cấp
Tại buổi Họp báo Chuyên đề tháng 9/2016 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng Giám đốc phụ trách HNX cho biết, tính từ đầu năm đến nay, HNX đã huy động được 279,71 nghìn tỷ đồng TPCP, tương đương 91,9% kế hoạch huy động trong năm 2016. Về cơ cấu kỳ hạn trái phiếu trúng thầu, trái phiếu kỳ hạn 5 năm vẫn được ưa chuộng nhất với tỷ trọng đạt 63,42% và kỳ hạn bình quân đạt 4,73 năm - tăng rất nhiều so với trước đây.
Trên thị trường thứ cấp, tính đến ngày 15/9/2016, có 547 mã niêm yết với giá trị đạt hơn 912 nghìn tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân phiên 9 tháng đầu năm đạt hơn 5,66 nghìn tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với giá trị giao dịch bình quân cả năm 2015.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan đánh giá, thị trường TPCP thực sự có những điểm rất “ngoạn mục” thời gian qua. Ngoài những con số ấn tượng về khối lượng huy động sơ cấp, kỳ hạn bình quân dài hơn, thì cơ cấu nhà đầu tư tham gia cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực. Theo đó, nhà đầu tư tham gia đã được đa dạng hơn, bên cạnh nhà đầu tư truyền thống là các ngân hàng thương mại, còn có sự gia tăng của các quỹ, công ty bảo hiểm,... “Thực tế hiện nay, các ngân hàng thương mại chỉ nắm giữ khoảng 60% TPCP”, bà Lan thông tin.
Đồng thời, lãi suất huy động vẫn liên tục giảm, giúp cho chi phí huy động vốn của Nhà nước tốt hơn so với trước đây; đồng thời còn cho thấy, sự quan tâm của nhà đầu tư tới thị trường này ngày càng tăng.
Sự “ngoạn mục” còn được thể hiện trên cả thị trường thứ cấp. Theo đó, bên cạnh tổng giá trị giao dịch lớn, lượng giao dịch theo phương thức repo (mua đi bán lại) rất đáng quan tâm. Theo đó, từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch repo đã tăng lên rất nhiều. Nếu trước đây, có khi giá trị giao dịch repo chỉ đạt 0,05% toàn giá trị giao dịch thị trường, nhưng thời gian qua có những ngày giao dịch repos còn vượt cả outright (giao dịch thông thường). Tổng giao dịch repo hiện đang gần 50% lượng giao dịch toàn thị trường.
“Đây là một tín hiệu tốt, bởi tính thanh khoản của thị trường thứ cấp đã có bước tiến vượt bậc. Chúng tôi cũng rất mừng vì những điều này, khi thị trường trái phiếu có sự phát triển lớn về chiều sâu”, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan chia sẻ.
Đồng thuận với điều này, ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Phòng Thị trường trái phiếu HNX cho biết thêm, việc gia tăng giao dịch repo là điểm rất tích cực, bởi trên các thị trường trái phiếu thế giới và khu vực, giao dịch repo là thước đo cho độ sâu của thị trường. So với các thị trường khu vực và một số thị trường phát triển khác, giá trị giao dịch repo trái phiếu lớn hơn rất nhiều giao dịch outright, thậm chí gấp 3 - 4 lần.
Đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư ngoại
Tính từ đầu năm đến ngày 12/9, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài đạt 87,8 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,56% giá trị giao dịch toàn thị trường. Tính từ đầu năm đến 15/9/2016, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 21,2 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù chưa hài lòng về tỷ lệ tham gia của khối ngoại trong tương quan so sánh với tổng giá trị giao dịch thứ cấp, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, từ đầu năm tới nay, xu hướng mua ròng là chủ đạo. Điều này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường TPCP đang tốt.
Ông Trần Văn Tuấn cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã trình Bộ Tài chính dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 234/2012/TT-BTC hướng dẫn quản lý giao dịch TPCP, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Hy vọng trong thời gian rất ngắn, Thông tư này được ban hành để hỗ trợ thị trường TPCP phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo đó, Thông tư mới sẽ từng bước thiết lập lộ trình triển khai các cơ chế, kỹ thuật giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế, phục vụ nhà đầu tư trong việc thực hiện các chiến lược kinh doanh đa dạng; đảm bảo sự tăng trưởng ổn định, bền vững của thị trường trái phiếu, sẵn sàng cho sự hội nhập trong khu vực; đồng thời, củng cố và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, “để tăng giao dịch của khối ngoại thì vẫn còn nhiều việc phải làm, chẳng hạn như vấn đề ngoại tệ. Do đó, thời gian tới, cùng với sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh, chúng tôi sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng Nhà nước để có thêm giải pháp thu hút mạnh hơn sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường”, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan chia sẻ./.
Ngày 7-8/10/2016, HNX sẽ tổ chức Phiên họp Tổng Giám đốc các Sở GDCK ASEAN (ASEAN CEOs Meeting) lần thứ 25 và Chương trình ASEAN Broker Networking lần thứ 3 kết hợp với Hội nghị thường niên công tác thành viên của HNX tại Hà Nội, với chủ đề chính “Công ty chứng khoán (CTCK) khu vực ASEAN hướng tới hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)”. Đây là lần thứ hai HNX đăng cai tổ chức ASEAN CEOs Meeting và là lần đầu tiên Chương trình ASEAN Broker Networking (kết nối CTCK ASEAN) được tổ chức tại Hà Nội. Chương trình ASEAN Broker Networking là một sáng kiến trong khuôn khổ hợp tác các Sở GDCK ASEAN và được luân phiên tổ chức với mục tiêu kết nối các CTCK trong khu vực ASEAN để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy tiến trình hội nhập các thị trường chứng khoán ASEAN trong khuôn khổ Hội nhập AEC. Sự kiện này ngày càng được các nước ASEAN hưởng ứng, năm 2011 diễn ra tại Thái Lan có 62 CTCK trong khu vực tham gia, và đến năm 2015 tại Bali, Indonesia đã quy tụ được 116 CTCK trong khu vực (Việt Nam có 6 CTCK tham gia). Tại sự kiện lần này, các nước ASEAN đánh giá cao cơ hội hợp tác với thị trường chứng Việt Nam nên rất quan tâm tham dự chương trình này. Có khoảng 55 cặp CTCK đăng ký gặp song phương để trao đổi, hợp tác. |
Duy Thái