Xử lý khoanh nợ, xóa nợ thuế được gần 35 nghìn tỷ đồng

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến thời điểm ngày 31/10/2022, tổng số tiền thuế nợ do ngành Thuế quản lý ước tính là 125.996 tỷ đồng, tăng 9,5% so với thời điểm ngày 31/12/2021.

Ông Phi Vân Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, thực hiện Nghị quyết 94/2019/QH14 (Nghị quyết 94) của Quốc hội, 10 tháng năm 2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 2.405 tỷ đồng. Lũy kế kết quả thực hiện xử lý nợ, từ khi Nghị quyết số 94 có hiệu lực (1/7/2020) đến cuối tháng 10/2022, ước đạt 34.877 tỷ đồng, trong đó: xử lý khoanh nợ tiền thuế là 28.217 tỷ đồng; xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 6.660 tỷ đồng.

Triển khai nhiệm vụ 2 tháng cuối năm, đặc biệt là công tác thu hồi nợ thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn yêu cầu cơ quan thuế các cấp chú trọng rà soát, thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế; tiếp tục xử lý khoanh, xóa nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94.

Nguồn: Tổng cục Thuế.  Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Thế Dương

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Thuế, tại các địa phương, công tác quản lý, thu hồi nợ thuế đang được quyết liệt thực hiện.

Cụ thể, Cục Thuế Quảng Ngãi đang tăng cường rà soát số liệu nợ thuế, tập trung thực hiện các nội dung, công việc xử lý nợ thuế theo Nghị quyết 94 và Luật Quản lý thuế. Đồng thời, đơn vị theo dõi chặt chẽ các khoản nợ, nhất là các khoản thuế đã gia hạn; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để đôn đốc ngay từ khi nợ thuế mới phát sinh và thực hiện liên tục đến khi giảm nợ.

Ông Võ Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi cho hay, đối với các khoản nợ gia hạn trước khi đến hạn nộp thuế 15 ngày, cục thuế sẽ gửi thư nhắc đến từng doanh nghiệp để người nộp thuế (NNT) chuẩn bị sẵn nguồn tiền thuế phải nộp, không để bị động, dẫn đến nợ thuế. Riêng với khoản nợ trên 90 ngày, đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế phù hợp để động viên NNT nộp tiền thuế nợ vào NSNN.

“Mặc dù đến thời điểm này, công tác thu nợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm tỷ lệ nợ đọng thuế. Tuy nhiên, số tiền thuế gia hạn phải thu vào thời điểm cuối năm khá lớn. Trong khi đó, đây là thời điểm hầu hết các doanh nghiệp tập trung nguồn tiền để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2023, nếu không kịp thời đôn đốc sẽ dẫn đến nợ thuế phát sinh, ảnh hưởng đến số thu ngân sách” - ông Võ Hùng thông tin.

Quyết tâm kéo giảm nợ thuế

Đại diện Cục Thuế Phú Yên cho hay, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tập trung xử lý nợ theo Nghị quyết 94 và xử lý miễn tiền chậm nộp, theo Nghị định 92/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, toàn đơn vị đã xử lý miễn tiền chậm nộp đối với 71 NNT, số tiền chậm nộp được miễn là 971,7 triệu đồng. Thông qua công tác xử lý nợ thuế, Cục Thuế Phú Yên đã ban hành 10 thông báo không chấp thuận miễn tiền chậm nộp đối với 10 NNT, do không thuộc trường hợp được miễn tiền chậm nộp.

Đại diện Cục Thuế Phú Thọ cũng cho biết, xác định việc thu hồi nợ đọng thuế là nhiệm vụ rất khó khăn và nan giải nên ngay từ đầu năm 2022, cục thuế đã triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý nợ, đôn đốc thu hồi nợ và cưỡng chế nợ thuế. Đồng thời hàng tháng, đơn vị thực hiện tổng hợp, phân tích cơ cấu nợ thuế, phân loại nợ, xác định nguyên nhân tăng nợ; đánh giá kết quả thực hiện đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ của toàn đơn vị để chỉ đạo các chi cục thuế thực hiện các biện pháp phù hợp với từng đối tượng NNT.

Nợ thuế đến tháng 10/2022 là 125.996 tỷ đồng

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến thời điểm ngày 31/10/2022, tổng số tiền thuế nợ ngành Thuế quản lý khoảng 125.996 tỷ đồng, giảm 0,4% so với thời điểm ngày 30/9/2022, tăng 9,5% so với thời điểm ngày 31/12/2021. Trong đó, nợ tiền thuế có khả năng thu là 59.156 tỷ đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp của nợ có khả năng thu là 23.103 tỷ đồng; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 25.510 tỷ đồng; tiền thuế nợ đang xử lý là 8.320 tỷ đồng; tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện là 9.902 tỷ đồng.

Lãnh đạo Cục Thuế Phú Thọ cho biết, trong 9 tháng năm 2022, toàn đơn vị thu được 1.847 tỷ đồng tiền thuế nợ. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 1.200 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 647 tỷ đồng. Báo cáo của Cục Thuế Phú Thọ cũng cho thấy, tính đến 30/9/2022, tổng số tiền thuế nợ trên địa bàn là 500 tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Huy Hồng - Cục trưởng Cục Thuế Phú Thọ - cho biết, trong 2 tháng cuối năm, đơn vị tiếp tục rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế, thực hiện phân tích, phân loại chính xác số tiền thuế nợ theo cơ cấu ngành nghề kinh doanh, theo sắc thuế và theo tính chất từng khoản nợ để áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế phù hợp và hiệu quả.

Đối với các khoản nợ quá hạn trên 90 ngày, đơn vị kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế như: trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của NNT tại các tổ chức tín dụng; thông báo ngừng sử dụng hóa đơn; công khai thông tin nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế; đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế tại các chi cục thuế. Đối với các trường hợp nợ lớn, kéo dài, sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, cục thuế sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế cuối cùng là đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, Cục Thuế Phú Thọ cũng phối hợp với UBND các cấp, các cơ quan liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngân hàng thương mại, tòa án nhân dân các cấp..., để thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế, kéo giảm nợ thuế đáp ứng chỉ đạo của Tổng cục Thuế.