Sẽ có gói tín dụng riêng cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Sẽ có gói tín dụng riêng cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: TL

Nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực được ưu đãi lãi suất đầu tiên

Tại Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 chiều ngày 30/12, người nông dân mong muốn Chính phủ làm rõ những chính sách để hỗ trợ nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính và chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nông dân.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, để thực hiện Đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tín chỉ xanh, ngoài gói hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, còn có sự tham gia của các tổ chức khác và Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo tỉnh An Giang đã trao đổi về vấn đề này.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ hợp tác xã, Ngân hàng NN&PTNT sẽ có những gói tín dụng riêng cho các doanh nghiệp và các hợp tác xã tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với tiêu chí, thành viên hợp tác xã càng đông thì lãi suất có thể càng thấp. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ logistic, kho lưu trữ, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ có rất nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vì xác định đây là mặt trận hàng đầu của kinh tế đất nước. Riêng ngành ngân hàng, đến thời điểm hiện nay có 18 văn bản đồng nghĩa với 18 chính sách trực tiếp hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Về phía ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, NHNN luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn.

Liên quan đến nguồn lực của ngân hàng dành cho nông nghiệp, nông thôn, tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, riêng nông nghiệp, nông thôn có mức dư nợ khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, tương đương ¼ tổng dư nợ nền kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực ngành nông nghiệp, nông thôn duy trì cao nhất trong tất cả các ngành, chiếm 10 - 12% hàng năm, kể cả những năm có dịch hay khó khăn như thời gian qua.

Về quá trình tổ chức thực hiện, ông Tú khẳng định đây luôn là lĩnh vực ưu tiên, không có cơ chế giới hạn, hạn chế. Hơn nữa, ngành ngân hàng còn có cơ chế động viên, khuyến khích, ưu tiên cho các ngân hàng thương mại (NHTM) để hoạt động trong lĩnh vực này.

Đối với việc tiếp cận tín dụng, theo lãnh đạo NHNN, nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực ưu tiên, không có một cơ chế nào hạn chế, thậm chí còn có cơ chế động viên khuyến khích, ưu tiên với các NHTM để đầu tư lĩnh vực này; còn với vấn đề lãi suất thì phải thực hiện theo quy luật kinh tế thị trường. Các NHTM huy động để cho vay và quyết định lãi suất cho vay. Tuy nhiên, nông nghiệp nông thôn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được ưu đãi với mức trần lãi suất được các NHTM áp dụng không quá 4%/năm.

Nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên được ưu đãi lãi suất đầu tiên
Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh tiếp cận vốn cho nông dân. Ảnh: TL

Linh hoạt giúp người nông dân tiếp cận tín dụng thuận lợi, đảm bảo đồng vốn hiệu quả

Phản hồi ý kiến của nông dân về tiếp cận vốn vay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị về ngành ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu hình thức cho vay tín chấp, tài sản hình thành trong tương lai nhiều hơn để hỗ trợ cho người nông dân. Người nông dân nếu vay được đồng vốn thì có thể giàu lên và ngược lại. Vì vậy, ngân hàng phải linh hoạt giúp người nông dân tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn, nhưng đảm bảo đồng vốn đi đúng địa chỉ và hiệu quả.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc hỗ trợ người dân giải quyết khó khăn từ cơ sở, nắm được chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước. Đồng thời, phải phát huy và nâng cao vai trò của các quỹ hỗ trợ người nông dân…

Về vấn đề lãi suất, nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên được ưu đãi lãi suất đầu tiên, mức cho vay khống chế trần tối đa các ngân hàng thương mại phải thực hiện.

Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho nông dân ngay tại cấp cơ sở, làm sao để nông dân hiểu và chấp hành tốt quy định của ngân hàng. Về tiếp cận tín dụng, cần nghiên cứu tín chấp cho nông dân, linh hoạt trong tiếp cận vốn cho nông dân.

Trong đó, tăng cường tín chấp, tài sản hình thành trong tương lai. Các ngân hàng cần có đánh giá, khai thác yếu tố phù hợp với tâm lý, truyền thống của người nông dân là thật thà, chất phác, lam lũ để đưa ra tín dụng phù hợp, giúp nông dân phát triển sản phẩm nông nghiệp phù hợp hơn.

Thủ tướng cũng yêu cầu các quỹ hỗ trợ nông dân như quỹ khoa học công nghệ cần được mở rộng tiêu chuẩn, điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân, nhà khoa học vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cần có chính sách để nông dân tiếp cận thuận lợi hơn với tín dụng, đúng địa chỉ, kịp thời, đúng thời điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển nông nghiệp cần 5 thành tố quan trọng: Thương hiệu; quy hoạch; doanh nghiệp; ngân hàng; ứng dụng khoa học công nghệ.