pg bank

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh 2013 của các ngân hàng thương mại đang đi đến đoạn cuối. Bản báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) hiện chưa công bố và cũng là thành viên đáng chờ đợi nhất, vì nó phản ánh những rủi ro điển hình mà nhiều ngân hàng khác cũng gặp phải trong thời gian qua.

Từng là “bé hạt tiêu”

Khó khăn vẫn không ngừng đeo bám PG Bank những năm gần đây. Những năm 2010 - 2011, đây là thành viên nhỏ nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam, xét theo quy mô vốn điều lệ. Và phải đến cuối 2011 ngân hàng này mới có thể xoay xở được yêu cầu tăng vốn, đảm bảo mức vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng.

Không hẳn do PG Bank yếu kém và khó khăn trong gọi vốn đầu tư, hay các cổ đông lớn tiềm lực tài chính yếu, mà do trở ngại của chủ trương hạn chế đầu tư ngoài ngành cùng yêu cầu thoái vốn liên quan. Trở ngại này gắn với cổ đông lớn, đang nắm 40% cổ phần là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Petrolimex khó đổ thêm vốn ngoài ngành đã đành, mà phía trước còn là yêu cầu thoái vốn với thời hạn đến 2015.

Từng là nhỏ nhất và hiện cũng ở nhóm nhỏ nhất trong hệ thống, nhưng PG Bank lại là “bé hạt tiêu”, là thành viên tạo hiện tượng lớn, rất lớn ngay ở thời điểm tưởng như khó khăn nhất về vốn.

Năm 2011, khi cả hệ thống chông chênh với khó khăn thanh khoản, nhiều ngân hàng nhỏ và gặp khó khăn gồng mình chống chọi với áp lực của “ngân hàng nhóm 4” và tin đồn tái cơ cấu liên quan… Chính trong bối cảnh đó, PG Bank thu hút ánh nhìn của thị trường, ấn tượng với mức lãi khủng và hiệu quả hoạt động vượt trội.

Cụ thể, năm 2011, ngân hàng này công bố lợi nhuận trước thuế đạt tới 608 tỷ đồng, hơn gấp đôi mức đạt được của năm 2010 (293 tỷ đồng). Đó là kết quả “mơ ước” của ngay những thành viên quy mô vốn điều lệ cỡ 4.000 - 5.000 tỷ đồng, trong khi PG Bank lúc đó chỉ 2.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, đây là thành viên liên tục ở trong Top 5 ngân hàng thương mại hiệu quả nhất xét theo các chỉ số tài chính cơ bản như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA). Như trong năm 2011, ROE đạt tới 23%, ROA đạt 2,7%.

Nhưng rủi ro cũng đến với PG Bank một cách nhanh chóng, và dường như lớn hơn so với nhiều ngân hàng khác…

“Ông lớn” gây đột biến nợ xấu

Cũng chính trong năm 2011, nợ xấu của PG Bank bắt đầu có xu hướng gia tăng mạnh, dù vẫn ở gần mức chấp nhận được quanh 3%. Đến 2012, tốc độ gia tăng nợ xấu tại ngân hàng này diễn ra một cách hoảng hốt, khi vọt lên tới 8,4%.

Năm 2013, PG Bank đặt mục tiêu giảm được nợ xấu và rút được tỷ lệ về khoảng 3%. Nhưng mục tiêu đó vẫn trở nên quá xa, nợ xấu vẫn tiếp tục gia tăng trong năm qua. Đến cuối quý 3/2013, mức ghi nhận trên báo cáo tài chính đã là 9,5% - mức cao nhất theo báo cáo trong khối ngân hàng thương mại cổ phần.

Con số nợ xấu cuối cùng của PG Bank chốt năm 2013 hiện vẫn là ẩn số, nhưng một khi đã gia tăng đột biến như trên, lại gắn với sức đề kháng hạn chế của một ngân hàng quy mô nhỏ, khó khăn hiện là rất lớn. Mặc dù trong đợt đầu Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua lại nợ xấu, PG Bank tạm “gửi” đi 170 tỷ đồng, nhưng kể cả như vậy dự báo cũng khó có thể cải thiện được nhanh.

Vì sao nợ xấu của PG Bank tăng đột biến? Trước hết, nó có nguồn gốc từ trong năm 2012, gắn với những “ông lớn”. Cụ thể, từ tháng 10/2012, một số khách hàng lớn của chi nhánh PG Bank Thăng Long rơi vào khó khăn, không trả được nợ làm đội nhanh nợ nhóm 3. Đến 2013, tình hình ở nhóm này vẫn chưa xử lý được và vẫn là nguyên nhân chính.

PG Bank cũng gặp rủi ro điển hình như ở hầu hết các ngân hàng khác. Dù tỷ lệ cho vay đầu tư bất động sản của họ rất thấp, nhưng thị trường bất động sản rơi vào suy giảm và đóng băng, khiến hoạt động cho vay các khách hàng liên quan như xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu đầu vào… gặp rủi ro.

Theo lý giải của PG Bank, họ cũng gặp phải tình trạng chung ở nhiều khách hàng vay vốn là việc sử dụng vốn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp vay vốn đã dự báo không tốt xu hướng và nhu cầu thị trường, dẫn tới đầu tư quá mức và dư thừa công suất, hàng tồn kho lớn… Thậm chí có những khách hàng mất cân đối khi sử dụng vốn vay, dùng vốn vay ngắn hạn đầu tư trung dài hạn để rồi thiếu nguồn trả nợ. Hay có những khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, vay vốn đổ vào bất động sản rồi kẹt lại.

PG Bank cũng từng giải thích với các cổ đông rằng, việc kiểm soát sau cho vay của một số đơn vị chưa tốt, công tác quản lý hàng tồn kho thế chấp chưa chặt chẽ. Thế nên, PG Bank cũng là cái tên xuất hiện trong một số vụ việc tranh chấp tài sản thế chấp năm qua, hoặc gặp rủi ro khách hàng rút ruột tài sản thế chấp…

Tỷ lệ nợ xấu quá cao đã phản ánh rõ ở kết quả lợi nhuận của ngân hàng từng là “bé hạt tiêu” trong năm 2011. Lợi nhuận cập nhật qua các quỹ gần đây cho thấy nỗ lực tránh lỗ.

Và như trên, với quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính còn hạn chế, sức vượt qua khó khăn của PG Bank là hạn chế hơn khi gánh trên mình mức nợ xấu lớn như vậy. Liệu họ có phải tái cơ cấu bắt buộc hay không, hay sẽ khắc phục khó khăn như thế nào, khi mà phía trước áp lực thoái vốn ngoài ngành năm 2015 đã gần kề và chỗ dựa rất lớn từ Tập đoàn Petrolimex theo đó có thể không còn được như trước?

Thùy Vân