PV: Thưa ông, giá xăng dầu hiện đang liên tục lập đỉnh mới theo giá thế giới. Dư luận đang lo ngại việc thiết lập mặt bằng giá mới, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân, ông nhận định về điều này như thế nào?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Trước hết, nhìn nhận tác động của xăng dầu đến chỉ số giá tiêu dùng. Chúng ta thấy rằng, mặt hàng xăng dầu thành phẩm chiếm quyền số khoảng 3,6%, giả định giá xăng dầu tăng 5% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 0,18%, tăng 10% làm CPI tăng 0,36% tùy thuộc vào mức tăng của giá xăng dầu. Xăng dầu còn tác động trực tiếp đến nhóm giao thông vận tải như vận tải hành khách bằng đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi… và vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, xăng dầu tăng còn làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI tăng theo.

Phải để giá xăng theo sát giá thị trường
PGS.TS. Ngô Trí Long

Đối với những tác động của xăng dầu đến chỉ số giá sản xuất (PPI), theo tính toán giá xăng dầu tăng làm tăng chỉ số giá nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu, tăng chỉ số giá sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất như điện khí, dầu mỏ tinh chế…

Đó là về lý thuyết, còn ở ngoài thị trường, khi giá xăng tăng lập tức tại các chợ, giá các loại thực phẩm cũng đã nhích theo. Giá vận tải, taxi, grab cũng đã thông báo sẽ tăng. Tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế trong xã hội đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nay giá cả tăng cao, đời sống của họ lại bị tác động thêm, khó chồng khó.

PV: Trước biến động của giá xăng dầu thế giới, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế mặt hàng xăng dầu, nhằm giảm đà tăng giá mặt hàng này. Ông có nhận xét gì khi phải sử dụng thêm công cụ để giảm giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay?

GS.TS. Ngô Trí Long: Đúng là Bộ Tài chính - cơ quan nắm và quản lý ngân sách quốc gia thường ở vào thế khó, khi giá xăng dầu cứ tăng là dư luận lại đề nghị giảm thuế. Trên thực tế, các chính sách thuế có tính ổn định và không phải cứ đề xuất là giảm ngay được, nếu thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì cũng phải trình theo trình tự thủ tục văn bản, nếu trình theo thủ tục rút gọn cũng phải đảm bảo theo quy định, nên cần có thời gian.

Hoặc khi đề xuất giảm thuế, mức giảm như thế nào cũng gây tranh cãi. Cơ quan quản lý đề xuất 1 thì dư luận lại đòi hỏi phải thêm 2. Đây cũng là vấn đề cần phải nhìn nhận một cách kỹ lưỡng. Khi điều hành các chính sách thuế, cơ quan quản lý phải tính toán hết sức kỹ lưỡng và cân đối để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia cũng như đảm bảo nguồn thu đáp ứng các nhu cầu chi.

Trong bối cảnh hiện nay, đề xuất giảm từ 700 - 2.000 đồng/lít, kg (tùy loại) xăng dầu, mỡ nhờn, tương ứng với giảm thu ngân sách khoảng gần 24 nghìn tỷ đồng/năm (tính từ tháng 4/2022) là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính mà chúng ta phải ghi nhận.

Tôi cho rằng, cân nhắc giảm thuế là phải tính toán hết sức kỹ lưỡng. Một mặt, việc giảm các mức thuế này có thể làm giảm nguồn thu ngân sách nhưng giữ được giá xăng dầu ổn định hợp lý sẽ thúc đẩy được phát triển kinh tế, từ đó có được nguồn thu lớn hơn cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, mặt khác, chúng ta phải tính đến đó là gói kích thích kinh tế lớn nhất Chính phủ đang triển khai có đóng góp đến 83% là các chính sách tài khóa. Gói tài khóa lên tới 291 nghìn tỷ đồng trong tổng số 350 nghìn tỷ đồng, nghĩa là Chính phủ, Bộ Tài chính đã hết sức cố gắng nỗ lực rồi. Cộng thêm việc giảm thuế để "hạ nhiệt" giá xăng dầu sẽ gây khó khăn nhất định cho ngân sách.

Mặc dù vậy, tôi vẫn đồng tình với việc xem xét để giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng quan trọng này, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống của người dân.

PV: Công cụ để điều hành giá xăng dầu bây giờ phụ thuộc chính vào Quỹ Bình ổn giá và các giải pháp về thuế. Ông nhận định gì khi có ý kiến cho rằng, không thể phụ thuộc mãi vào các công cụ nêu trên mà nên đưa giá xăng dầu tiệm cận với thế giới, để theo sát giá thị trường?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Thời gian qua, chúng ta đã điều hành giá xăng dầu có thể nói là khá nhịp nhàng, linh hoạt, giảm tác động tăng của giá xăng dầu thế giới đến giá trong nước. Nhờ đó, giá xăng dầu trong nước đã tăng thấp hơn so với đà tăng của giá thế giới.

Còn về thuế, cũng phải nhắc đến đó là so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45 - 60% (ngoại trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn), trong khi đó, đối với nước ta, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%.

Do đó, tôi cho rằng, đối với giá xăng dầu, phải dần theo sát giá thị trường trên thế giới và để thị trường điều tiết. Trong điều hành, chúng ta không nên dùng quá nhiều các biện pháp để bóp méo thị trường. Nếu chúng ta neo giá quá lâu, đến lúc tăng sốc vừa chịu sức ép của dư luận, vừa tác động không thuận tới điều hành kinh tế vĩ mô.

Theo như dự đoán, giá xăng dầu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao, không thể cứ mãi giảm thuế, hoặc dựa vào Quỹ Bình ổn giá, bởi quỹ cũng sẽ cạn kiệt và thuế cũng không thể giảm, thì buộc doanh nghiệp, người dân sẽ phải tiết giảm tiêu dùng, hay tính toán đến việc dùng các nguồn năng lượng thay thế.

PV: Xin cảm ơn ông!

* Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:

Giảm thuế nhưng phải cân nhắc tới các mục tiêu về ngân sách

Phải để giá xăng theo sát giá thị trường

Chính phủ đã rất linh hoạt trong thực hiện các giải pháp để kiểm soát lạm phát thời gian qua. Trong bối cảnh hiện nay, cần chủ động, linh hoạt hơn thực hiện giải pháp điều hành giá cả, kiềm chế lạm phát khi các yếu tố tác động đến lạm phát đầu năm rất nhiều, căng thẳng nhất là giá dầu.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn. Việc đề xuất giảm thuế để kiềm chế lạm phát là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng chúng ta cần sử dụng công cụ này cho phù hợp.

Trên thực tế, thuế bảo vệ môi trường là công cụ điều tiết, bảo vệ môi trường, nếu lạm dụng để điều chỉnh giá mà quên hoàn toàn vai trò bảo vệ môi trường của sắc thuế này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của sắc thuế này, xa rời tôn chỉ mục đích. Vì vậy tôi cho rằng, khi áp dụng cần vận hành linh hoạt, thống nhất, có mức giảm với liều lượng phù hợp ở từng thời điểm cụ thể; đồng thời, phải căn cứ vào tình hình điều kiện thực tế để thực hiện.

Việc đề xuất giảm thuế là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải tính tới các yếu tố như giá xăng dầu trong nước không quá cao cũng như không quá cách biệt với giá thế giới, tránh tình trạng buôn lậu xăng dầu sang thị trường nước ngoài. Đồng thời, chúng ta cũng phải cân đối đến khả năng chịu đựng của ngân sách vì khi giảm thuế dẫn đến giảm nguồn thu, gây mất cân đối thu chi cũng như tác động tới các mục tiêu tăng trưởng, bảo đảm nguồn thu đáp ứng các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường...q

* Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh:

Hạ thấp thuế gây hiện tượng buôn lậu, thiệt hại nguồn thu ngân sách

Phải để giá xăng theo sát giá thị trường

Tôi cho rằng, về lâu dài, nếu giá thế giới duy trì ở mức cao quá lâu cần đưa mức giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thế giới, đặc biệt khi Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ lớn vào nền kinh tế, an sinh xã hội trong 2 năm liên tiếp.

Mức hỗ trợ cần phải được tính toán một cách đầy đủ khi chúng ta đi theo định hướng kinh tế thị trường, thì phải dần dần để thị trường xăng dầu đi theo đúng quy luật thị trường.

Bên cạnh giải pháp về thuế, việc đảm bảo nguồn cung được coi là yếu tố then chốt để giữ ổn định thị trường xăng dầu. Do những khó khăn về tài chính, nên Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nơi cung ứng khoảng 30 - 35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam buộc phải cắt giảm công suất. Tuy vậy, với việc tăng cường nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định, cơ bản đáp ứng cung xăng dầu trong tháng 3 và tháng 4/2022.

Cộng đồng doanh nghiệp và người dân kỳ vọng, với những giải pháp quyết liệt và thực tế, thị trường xăng dầu sẽ được kiểm soát ổn định, tạo đà cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Song có nhiều ý kiến đề xuất giảm thấp hơn nữa, tôi cho rằng, việc hạ thấp thuế đối với xăng dầu sẽ tạo sự cách biệt về giá với các quốc gia chung biên giới và gây ra tình trạng buôn lậu, trốn thuế của các đầu nậu xăng dầu, gây thiệt hại cho nguồn thu của Chính phủ. Bên cạnh đó, giảm thuế đối với xăng dầu sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp trong nền kinh tế sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng.q

* Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

Kiểm soát lạm phát 4% không đơn giản

Phải để giá xăng theo sát giá thị trường

Năm 2022, áp lực lạm phát của kinh tế nước ta xuất phát từ sự kết hợp, cộng hưởng của cả tổng cầu tăng đột biến và nguồn cung khó đáp ứng mức tăng của tổng cầu; trong đó yếu tố thứ hai đóng vai trò chính, lớn hơn trong việc gia tăng lạm phát của nền kinh tế.

Nói cách khác, áp lực lạm phát trong năm 2022 của nước ta đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô và lạm phát chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như chuỗi cung ứng trong nước.

Trong đó, giá xăng dầu tăng rất cao, tăng 60% tính từ đầu năm đến nay. Giá xăng dầu tăng là áp lực rất lớn với nền kinh tế, vì xăng dầu là nguyên vật liệu huyết mạch, tác động làm tăng giá nhiều loại hàng hóa khác. Nếu lạm phát tăng cao sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế, tạo ra mặt bằng giá mới. Theo đó, các quyết định về đầu tư, kinh doanh đều phải được tính toán trên mặt bằng giá mới này, nó làm cho chi phí đầu vào cao hơn, làm cho thu nhập thực của người dân bị giảm, làm giảm sức chi tiêu và giảm tổng cầu, tác động rất mạnh đến nền kinh tế.

Khi xây dựng mục tiêu lạm phát 4% dựa trên số liệu lạm phát thấp của năm 2021. Theo tôi, việc kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đã phê duyệt là không đơn giản.

Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát thì phải kiểm soát được những yếu tố gây ra lạm phát. Trong đó, yếu tố đầu tiên quan trọng nhất là kiểm soát nguồn cung, vì áp lực lạm phát năm nay đến từ việc thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là cung về xăng dầu. Giải pháp tiếp theo là không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, phải điều hành chính sách tài chính, tiền tệ một cách linh hoạt, nhịp nhàng.

Việc giảm thuế phải được tính toán thận trọng

“Việc giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu là cần thiết nhưng sẽ gây khó khăn nhất định cho ngân sách. Trong điều hành, ngành Tài chính phải tính toán cân đối cả thu và chi ngân sách, không thể để nguồn thu bị giảm mà ảnh hưởng đến nhiệm vụ chi ngân sách, trong đó có chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi đảm bảo an ninh quốc phòng, chi cho con người và an sinh xã hội. Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, vai trò của ngành Tài chính là đảm bảo cân đối tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia, nếu không sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, các đề xuất giảm thuế và giảm ra sao đều phải tính toán hết sức thận trọng và cân nhắc kỹ càng” - PGS.TS Ngô Trí Long.