Chi tiêu của địa phương, kể cả nguồn bổ sung từ ngân sách trung ương (NSTW), chiếm khoảng 55% tổng chi NSNN.
Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, cần phân cấp mạnh hơn, tăng quyền tự chủ cao hơn cho các địa phương, song cũng có nhiều ý kiến đề nghị tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài chính ở cấp địa phương, thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa.
Phải gắn trách nhiệm trong phân cấp đầu tư
Việt Nam là quốc gia có tính phân cấp mạnh ngân sách và xu hướng ngày càng tăng. Con số tổng kết trong giai đoạn 2011 -2015 cho thấy, chi tiêu của địa phương, kể cả nguồn bổ sung từ ngân sách trung ương (NSTW), chiếm khoảng 55% tổng chi NSNN, tăng nhanh so với mức 50% của giai đoạn 2006 - 2010. Trong giai đoạn 2009 - 2012, các địa phương quản lý khoảng 85% chi cho giáo dục và gần 80% chi cho lĩnh vực y tế.
Xét tỷ lệ chi ngân sách địa phương (NSĐP) trong tổng chi NSNN, Việt Nam đang thực hiện phân cấp khá mạnh. Nếu so sánh với quốc tế, Việt Nam có tỷ lệ chi NSĐP trong tổng chi NSNN cao hơn mức trung bình nhiều quốc gia, cao hơn so với mức trung bình của nhóm các nước công nghiệp phát triển (OECD). Trong đó, rõ nhất là xu hướng tăng phân cấp chi đầu tư. Trong khi phân cấp chi thường xuyên có xu hướng ổn định, thì chi đầu tư của địa phương chiếm khoảng 70% tổng chi đầu tư công, là mức rất cao so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Theo thống kê giai đoạn 2011 - 2015, chỉ có 13/63 địa phương có khả năng chủ động cân đối được ngân sách và có điều tiết về NSTW. 50/63 địa phương còn lại vẫn phải nhận bổ sung cân đối từ NSTW (bình quân số bổ sung cân đối chiếm 40% tổng chi của các địa phương đó). Trong thời gian qua, số thu của địa phương cao hơn đã giúp các địa phương thực hiện nhiệm vụ chi cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội, góp phần nâng cao tính tự chủ của địa phương. Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia kinh tế, nếu xem xét kỹ hơn về thực trạng thu - chi ngân sách, có một số tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến sự bền vững của ngân sách địa phương và cả hệ thống NSNN.
Theo TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, việc phân cấp chi đầu tư quá mạnh sẽ dễ dẫn đến tình trạng đầu tư lãng phí khi các địa phương đều có nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giống nhau (sân bay, cảng biển…) làm giảm hiệu quả sử dụng và lãng phí. Tình trạng đầu tư công tràn lan, chồng chéo, kém hiệu quả ở địa phương, thậm chí vượt xa khả năng của NSĐP dẫn đến rủi ro là càng phân cấp mạnh thì nguy cơ mất ổn định hệ thống ngân sách càng lớn. Do đó, ông đề nghị cần xem xét lại mức độ phân cấp gắn với hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội, hạn chế rủi ro. Phân cấp đầu tư cần gắn liền với trách nhiệm giải trình và năng lực quản lý của địa phương. TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, đây cũng là biện pháp góp phần giảm tình trạng đầu tư dàn trải và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Tuân thủ kỷ luật tài khóa, đảm bảo “sức khỏe” tài chính
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong quá trình phân cấp ngân sách, vấn đề kỷ luật tài khóa không chỉ cần tăng cường ở cấp trung ương mà còn phải coi trọng ở cấp địa phương. Phân cấp ngân sách là tăng cường trao cho địa phương thẩm quyền và trách nhiệm quản lý, đồng nghĩa với việc địa phương phải ứng phó với những rủi ro về tài khóa.
Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới cho rằng, để tăng cường tính bền vững của tài chính địa phương, cần tạo động lực mạnh hơn để các địa phương nghèo nâng cao nỗ lực huy động thu và giảm phụ thuộc vào số bổ sung từ Trung ương. Đối với những địa phương có tiềm năng tăng trưởng cao, cần nghiên cứu và cân nhắc tạo thêm cơ hội nâng cao tự chủ về thu cho các địa phương này. Bởi trên thực tế, năng lực tự chủ về thu ngân sách là nền tảng đảm bảo kỷ luật tài khóa ở địa phương.
Theo TS. Vũ Sỹ Cường, việc đẩy mạnh phân cấp quản lý ngân sách chỉ có thể đạt được mục tiêu mong muốn nếu được gắn liền với việc tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài chính ở cấp địa phương. Cần có các cơ chế thích hợp để minh bạch, công khai trong quản lý ngân sách ở các cấp chính quyền, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền nhằm bảo đảm tính hiệu quả của quản lý ngân sách. Trong đó, cần đề cao vai trò của các cơ quan dân cử và của Kiểm toán Nhà nước; tăng cường trách nhiệm giải trình của mỗi cấp chính quyền trong quản lý ngân sách không chỉ với cấp trên, mà còn với trước Hội đồng nhân dân và người dân ở địa phương đó, cũng là biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo tính bền vững của tài chính công.
Thực tế, chi tiêu của ngân sách địa phương tăng nhanh thời gian gần đây. Luật NSNN năm 2015 cho phép các địa phương được bội chi đã tăng quyền chủ động đáng kể cho địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý nợ tại địa phương còn sơ khai, số liệu báo cáo, tổng hợp tình hình vay nợ và giải ngân từ các nguồn còn chưa đầy đủ, kịp thời. Bà Vũ Hoàng Quyên trong một hội thảo gần đây đã đề nghị cần thiết lập cơ sở dữ liệu hợp nhất, mẫu biểu báo cáo chi tiết về nợ công của địa phương cho tất cả các nguồn vay nợ và công khai bản tin nợ công tại địa phương. Đối với một số địa phương có hoạt động vay nợ lớn, cần thiết phải xây dựng chương trình quản lý nợ trung hạn, nhằm cân nhắc các nguồn vay một cách chiến lược hơn.
Phân cấp giao quyền lớn, đồng nghĩa với trách nhiệm lớn, các địa phương cần tuân thủ kỷ luật tài khóa để luôn đảm bảo “sức khỏe” về mặt tài chính và thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô của quốc gia và địa phương. Do tài khóa của địa phương là một bộ phận trong hệ thống tài khóa quốc gia, nên ngân sách địa phương có thể ảnh hưởng tới tính ổn định của chính sách tài khóa. Địa phương duy trì kỷ luật tài khóa và nâng cao năng lực tài chính, sẽ trực tiếp mang lại hiệu quả sử dụng nguồn lực tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Minh Anh