hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc, chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan trung ương, đại diện các tổ chức đối tác quốc tế; lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) các khối nhân thọ, phi nhân tho, môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm.

Thị trường bảo hiểm: "Tấm lá chắn" bảo vệ nền kinh tế - xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả mà thị trường bảo hiểm đã đạt được.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Thời gian qua thị trường bảo hiểm đã đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, năng lực tài chính của DNBH tiếp tục được nâng cao. Đặc biệt, năm 2014, tổng doanh thu của thị trường đạt 67.169 tỷ đồng, đạt mức 2,44% so với GDP. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 54.635 tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với năm 2013; tổng số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm là 20.766 tỷ đồng, tăng 11,7%; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế là 128.938 tỷ đồng, tăng 13,4%; tạo công ăn việc làm cho hơn 400 nghìn người.

Đặc biệt, cơ chế chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện và ban hành kịp thời, tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường. Nhiều chương trình, chính sách bảo hiểm quan trọng của nhà nước như: Bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm khai thác hải sản, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm bắt buộc cháy nổ,... đã được triển khai tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp DN và người dân yên tâm sản xuất.

80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các DNBH bảo vệ về mặt tài chính trong trường họp xảy ra sự kiện bảo hiểm, mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện chính sách tài khóa.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, bên cạnh việc góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, ngành bảo hiểm còn đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất cấp bách, đột xuất của Chính phủ.

Điển hình như việc một số người có hành vi gây rối, đập phá tài sản của các tổ chức, cá nhân xảy ra ngày 13-15/5/2014 tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, các DNBH đã khẩn trương tạm ứng bồi thường 430 tỷ đồng cho 370 DN bị thiệt hại, góp phần khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đảm bảo môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua, đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, song thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, “Về quy mô, tỷ lệ doanh thu bảo hiểm trên GDP năm 2014 mới chỉ đạt 2,44%, thấp so với mức 3,2% trong khu vực ASEAN và 6,2% trên toàn thế giới. Nhận thức, hình ảnh về bảo hiểm chưa sâu rộng; sản phẩm bảo hiểm chưa linh hoạt; kênh phân phối chưa tiếp cận đến mọi tổ chức, cá nhân; công tác quản trị, điều hành DN còn nhiều bất cập; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn tồn tại,...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nâng cao tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường

Mục tiêu phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2015-2020 là phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế - xã hội và tài chính quốc gia trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt mức cao và ổn định (trên 10%/năm); tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ luật pháp về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, năng lực cạnh tranh của các DNBH…

Theo đó, năm 2015 được xem là năm bản lề thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, khắc phục những mặt còn tồn tại, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các DNBH cần thảo luận làm rõ một số vấn đề cơ bản như: Các chương trình truyền thông, quảng bá nâng cao nhận thức của người dân, của cộng đồng, DN và các cơ quan nhà nước về ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm; xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách; công tác hỗ trợ pháp lý; cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu; quản lý, giám sát; phòng chống trục lợi bảo hiểm,...

Đánh giá lại công tác quản trị, điều hành của DN; đa đạng hóa sản phẩm, chuyên nghiệp hóa kênh phân phối; đánh giá lại mô hình, điều lệ, quy chế hoạt động, tổ chức nhân sự, điều hành của Hiệp hội bảo hiểm trong việc đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, giám sát của nhà nước; tổ chức công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm…

Theo Bộ trưởng, các bài học, kinh nghiệm, đề xuất và khuyến nghị tại Hội nghị sẽ có ý nghĩa quan trọng để hoàn thiện giải pháp, kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2015 và những năm tới.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tổng hợp đầy đủ những ý kiến và góp ý của đại diện các cơ quan, đơn vị, DNBH, Hiệp hội bảo hiểm để trình Lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét, quyết định. Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc phê duyệt các giải pháp, đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường an toàn, hiệu quả./.

Một số hình ảnh tại "Hội nghị thường niên Thị trường bảo hiểm năm 2015”:

hội nghị thường niên thị trương bảo hiểm
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng khối nhân thọ.

Bài và ảnh: Hồng Chi