Phân cấp 14 địa phương làm 8 dự án đường bộ cao tốc

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 17/2022 phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, quyết định phân cấp được xây dựng theo nguyên tắc phân cấp triệt để cho UBND các tỉnh có đề xuất đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý sau khi đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Với nguyên tắc đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án thành phần 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và dự án thành phần 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Về phía địa phương, tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, UBND tỉnh Khánh Hòa được giao là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án thành phần 1. UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án thành phần 3.

Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Ảnh: VEC
Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Ảnh: VEC

Đối với dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án thành phần 1; UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án thành phần 3. Tại dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, UBND tỉnh An Giang là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án thành phần 1. Tương tự, dự án thành phần 2 được giao cho UBND TP. Cần Thơ; dự án thành phần 3 được phân cấp cho UBND tỉnh Hậu Giang. UBND tỉnh Sóc Trăng chịu trách nhiệm thực hiện dự án thành phần 4.

Với dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Tháp là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án thành phần 1; UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án thành phần 2. Ngoài ra, Chính phủ cũng quyết định phân cấp cho UBND tỉnh Tuyên Quang là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đoạn qua Tuyên Quang; UBND tỉnh Hà Giang là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đoạn qua tỉnh Hà Giang. UBND tỉnh Hòa Bình được giao là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đối với dự án đầu tư cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và Nam Định trên tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, UBND tỉnh Nam Định được giao là cơ quan có thẩm quyền thực hiện…

Giao địa phương chủ động quản lý bảo trì cao tốc

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 04/2022/NQ-CP, trong đó yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, đồng thời làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc tổ chức giao thông và quản lý, bảo trì đường cao tốc do địa phương đầu tư. Thực hiện chủ trương này, Bộ GTVT đang tiến hành soạn thảo để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 32/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc. Dự thảo nghị định đề xuất những chính sách phân quyền, phân cấp rõ ràng hơn cho địa phương. Cụ thể, cơ quan quản lý đường cao tốc không chỉ là các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, mà còn có cả cơ quan chuyên môn về GTVT thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đặc biệt, dự thảo đã phân công, phân cấp cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, thỏa thuận phương án tổ chức giao thông trong trường hợp đường cao tốc của Bộ GTVT hoặc của địa phương khác đầu tư xây dựng kết nối với đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương mình.

Để phù hợp với tình hình thực tế, dự thảo quy định, Bộ GTVT chịu trách nhiệm về nội dung phương án tổ chức giao thông, việc tổ chức giao thông trên đường cao tốc trong trường hợp đặc biệt, các trường hợp tạm dừng khai thác sử dụng đường cao tốc, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc; phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý. Bộ GTVT cũng chịu trách nhiệm thỏa thuận phương án tổ chức giao thông với UBND cấp tỉnh trong trường hợp đường cao tốc do địa phương đầu tư xây dựng, kết nối với đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT.

Khắc phục bất cập trong tổ chức giao thông cao tốc

Hiện có nhiều địa phương đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng cao tốc. Tuy vậy, với quy định hiện hành, địa phương chưa được chủ động trong việc đầu tư, phát triển và tổ chức giao thông trên cao tốc phù hợp với tiềm năng kinh tế của mình. Những quy định mới tại dự thảo nghị định, trọng tâm là phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức giao thông trên cao tốc sẽ khắc phục được những bất cập này.

Ông Lê Hồng Điệp - Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định cho biết, chính quyền địa phương khi đầu tư, xây dựng đường cao tốc thuộc địa phương mình thì sẽ căn cứ vào quy hoạch giao thông và quy hoạch tỉnh. Việc tổ chức giao thông là một nội dung, nhu cầu xác định trước khi đầu tư xây dựng đường cao tốc. Vì vậy, phải giao cho địa phương để chủ động.

Chỉ có điều khác với trước, khi tổ chức giao thông trong trường hợp đặc biệt, Bộ GTVT sẽ phê duyệt theo đề nghị của địa phương, lần này sẽ phân cấp cho địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn. Dự thảo nghị định cũng quy định trường hợp đường cao tốc do Bộ GTVT đã đầu tư, nếu UBND tỉnh khác có đầu tư đường nối vào đường cao tốc này thì sẽ có sự thỏa thuận với Bộ GTVT về việc tổ chức giao thông liên thông giữa 2 tuyến đó.

Trong trường hợp 1 tỉnh đã đầu tư đường cao tốc, tỉnh khác muốn đầu tư đường cao tốc kết nối cùng với tỉnh này thì 2 tỉnh sẽ có sự bàn bạc, phối hợp để kết nối giao thông thuận lợi trên 2 đường cao tốc giữa 2 địa phương cùng đầu tư. Ví dụ như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn vừa đi qua địa phận Hải Phòng, vừa đi qua địa phận Quảng Ninh thì 2 địa phương cần có sự phối hợp nhau, để làm sao mạch giao thông thông suốt, khi tổ chức thu phí sẽ hạn chế nhiều trạm, cả công tác kiểm soát tải trọng xe và nhiều nội dung khác.

Cũng theo ông Lê Hồng Điệp, giao cho địa phương đầu tư giao thông sẽ phát huy tối đa nguồn lực của các tỉnh, thành. Thực tế trước kia, chỉ có chưa đến 10 địa phương có thể tự cân đối được ngân sách, còn hiện nay đã có khoảng 16 - 17 địa phương đã đảm bảo ngân sách. Nhu cầu vận tải của các địa phương tăng rất nhanh, nếu cứ trông chờ vào nguồn vốn trung ương sẽ không kịp thời và không linh hoạt. Vì vậy, địa phương có thể làm đường cao tốc dài hoặc ngắn là do địa phương lựa chọn theo hướng phù hợp.