Cán bộ Hải quan Hải Phòng thực hiện đánh giá năng lực

Cán bộ Hải quan Hải Phòng thực hiện đánh giá năng lực qua vị trí việc làm. Ảnh: Thái Bình

Tổng cục Hải quan cũng đặc biệt quan tâm đến việc cải cách nội ngành, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp (DN), người dân thông qua việc phát triển nguồn nhân lực hải quan dựa trên cơ sở vị trí việc làm (VTVL). Chương trình này đã và đang được triển khai mạnh mẽ trong năm 2019 và các năm tiếp theo…” - là chia sẻ của ông Lương Khánh Thiết – Phó Trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa, Tổng cục Hải quan trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN.

PV: Triển khai Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016 – 2020, Tổng cục Hải quan cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới phương pháp quản lý nguồn nhân lực (QLNNL) theo năng lực dựa trên VTVL. Đến nay, nhiệm vụ này đã được triển khai và đạt được kết quả ra sao, thưa ông?

Ông Lương Khánh Thiết
Ông Lương Khánh Thiết

Ông Lương Khánh Thiết: Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, đến năm 2021 ngành Hải quan phải tinh giản biên chế 10%. Trong khi đó, giai đoạn 2016 – 2020, trong bối cảnh khối lượng công việc tăng nhanh liên tục từ 10% - 20% hàng năm, dự kiến đến năm 2021 sẽ tăng 80% so với khối lượng công việc năm 2015.

Trong bối cảnh nêu trên, ngành Hải quan xác định việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhằm thực hiện chỉ đạo tinh giản biên chế và đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của người dân và DN là xu thế tất yếu và cấp thiết hiện nay đối với ngành Hải quan.

Từ năm 2016 đến nay, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh hoạt động đổi mới QLNNL hải quan dựa trên VTVL một cách bài bản có chiều sâu và đã thu được kết quả tích cực trong thời gian qua.

Đặc biệt, trong năm 2018 và quý I/2019, Tổng cục Hải quan tạo bước đột phá khi quyết định xây dựng và triển khai thành công hệ thống đánh giá năng lực công chức hải quan (lần đầu tiên tổ chức đánh giá năng lực hầu hết số công chức không giữ chức vụ lãnh đạo) đối với 6 lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ chính (giám sát quản lý, thuế xuất nhập khẩu, kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu, quản lý rủi ro, xử lý vi phạm) tại 6 vụ, cục thuộc cơ quan tổng cục và 7 cục hải quan tỉnh, thành phố có khối lượng công việc lớn nhất ngành (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương).

Thành công này đã tạo cơ sở nền tảng giúp cho Tổng cục Hải quan trong việc mở rộng phạm vi đánh giá năng lực trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ, các đơn vị và các đối tượng cán bộ công chức trong các năm tiếp theo.

PV: Trên cơ sở kết quả tổ chức đánh giá năng lực cán bộ hải quan theo VTVL tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố thời gian qua, bài học kinh nghiệm rút ra là gì, thưa ông?

Ông Lương Khánh Thiết: Qua theo dõi đánh giá công tác chuẩn bị, tổ chức thi và kết quả đánh giá năng lực đã cho thấy, các thành quả đã đạt được là rất tích cực, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc tổ chức thi đánh giá năng lực đã tạo ra một phong trào học tập nhằm nâng cao trình độ kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ thực sự mạnh mẽ, lan tỏa không chỉ đến từng công chức nghiệp vụ mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ lãnh đạo phòng, chi cục, lãnh đạo cục.

Thứ hai, các kỳ thi được tổ chức công khai, minh bạch, nghiêm túc, đúng quy định, quy trình, quy chế thi, đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Thứ ba, các đơn vị liên quan đã tích cực, chủ động triển khai với tinh thần trách nhiệm cao để tổ chức thành công kỳ thi; cấu trúc đề thi phù hợp; có tính phân loại cao, phản ánh đúng năng lực, trình độ của công chức tại vị trí việc làm đang đảm nhiệm.

Cán bộ hải quan hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa.
Cán bộ hải quan hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: Hải Anh

Thứ tư, kết quả đánh giá sát với năng lực thực tiễn của công chức nghiệp vụ hải quan, khi phân hóa được các thí sinh dự thi thành 3 cấp độ với các tiêu chí rất cụ thể, định lượng.

Sự thành công của kỳ thi đánh giá năng lực đầu tiên của Tổng cục Hải quan theo chuẩn mực cấp ngành là bước đầu tiên tạo tiền đề để thực hiện các hoạt động tiếp theo trong chuỗi hoạt động đánh giá năng lực.

PV: Từ nay đến cuối năm 2019 việc đánh giá năng lực cán bộ công chức hải quan theo VTVL sẽ có điểm gì mới đáng chú ý, thưa ông?

Ông Lương Khánh Thiết: Năm 2019 là năm đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ đổi mới QLNNL giai đoạn 2016 – 2020 của ngành Hải quan. Do đó, việc đánh giá năng lực công chức hải quan từ nay đến cuối năm 2019 tiếp tục được đẩy mạnh theo chiều sâu.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành đánh giá năng lực công chức thừa hành của 8 lĩnh vực nghiệp vụ chính trên phạm vi 28 cục Hải quan tỉnh, thành phố còn lại; từng bước thí điểm ứng dụng vào công tác bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển.

Từng bước đổi mới cơ bản phương thức QLNNL theo năng lực dựa trên VTVL, trước hết là đối với các VTVL không giữ chức vụ lãnh đạo, nhằm đảm bảo bố trí đúng người, đúng việc; nâng cao hiệu suất làm việc; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; điện tử hóa một số hoạt động QLNNL; nâng cao tính khoa học, công bằng, minh bạch cho các hoạt động QLNNL; đáp ứng các yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý hải quan.

PV: Xin cảm ơn ông!

Song Linh – Hồng Vân (thực hiện)