Ngành cho thuê tài chính dự kiến tăng trưởng 18 - 20%
Xác định cụ thể các hành vi gây lãng phí trong từng lĩnh vực để có chế tài xử lý phù hợp. Ảnh minh họa

Ban hành nhiều chính sách giảm lãng phí trong chi tiêu công

Theo báo cáo từ Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí là Bộ Tài chính, công tác phòng, chống lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực.

Trong giai đoạn 2019 - 2023, Chính phủ đã ban hành trên 200 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành trên 750 quyết định và các bộ, ngành ban hành trên 900 thông tư liên quan đến nguồn tài lực. Các chính sách đều nhằm hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước được tăng cường, đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời. Các biện pháp chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá và trốn thuế được thực hiện quyết liệt. Công tác quản lý chi ngân sách nhà nước được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo kinh phí cho an sinh xã hội, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và giảm thiểu lãng phí trong chi tiêu công.

Cơ chế, chính sách về quản lý và sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách được hoàn chỉnh, với chỉ còn 22 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đang hoạt động. Pháp luật, chính sách quản lý nợ công tiếp tục được hoàn thiện, các công cụ quản lý nợ được triển khai chủ động, giúp duy trì mức nợ công bền vững.

Công tác quản lý, sử dụng tài sản công được chú trọng với hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được hoàn thiện, đảm bảo quản lý chặt chẽ tài sản công. Cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước được nghiên cứu, hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại và hạn chế. Bộ Tài chính chỉ ra rằng, hệ thống cơ chế chính sách và thực tế triển khai quản lý, sử dụng tài sản công tại một số đơn vị còn nhiều bất cập. Công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm. Số lượng cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích còn cao.

Cụ thể, theo báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương thì có khoảng 9.497 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. 9.606 tài sản công khác ngoài nhà, đất gồm xe ô tô, máy móc, thiết bị và tài sản công khác đang không được sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích.

Phải xây dựng được văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội, đề xuất sửa đổi các luật, quy định về ngân sách, đầu tư công, đấu thầu, hợp tác công tư, quy hoạch... Các quy định của Luật phải xây dựng được văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện” ở mọi lúc, mọi nơi...

Cũng theo Bộ Tài chính, pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng các tài nguyên còn chồng chéo, bất cập. Công nghệ khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên thiên nhiên vẫn còn ở trình độ thấp; khai thác, sử dụng chưa hiệu quả, gây lãng phí. Chất lượng và hiệu quả đầu tư dự án hạ tầng kinh tế - xã hội chưa cao; tính đồng bộ, kết nối và hiện đại còn thấp; chưa có nhiều công trình lớn, có tính lan tỏa và đột phá; hạ tầng khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn nhiều thiếu thốn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đặc biệt là về quy hoạch đầu tư chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ khiến việc thu hút đầu tư và triển khai dự án gặp khó khăn, còn tồn tại những quy định chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà.

Gắn với sự phát triển đất nước và 3 đột phá chiến lược

Trước thực tiễn và khó khăn này, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, cần có sự quan tâm và vào cuộc hơn nữa của các bộ, ngành trong việc xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí. Bởi, dự thảo Chiến lược đã được Bộ Tài chính phát đi xin ý kiến từ cuối năm 2024. Tuy nhiên, tính đến ngày 23/2, Bộ mới nhận được ý kiến tham gia lần 2 của 13/22 bộ, cơ quan ngang bộ.

Cơ quan thường trực cũng kiến nghị giao Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra chuyên đề tập trung vào một số lĩnh vực có khả năng gây thất thoát, lãng phí lớn.

Phát biểu tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 5 phương châm phòng, chống lãng phí. Theo đó, phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp. Công tác này không có giới hạn về không gian và thời gian; làm liên tục, không ngừng nghỉ; làm từ trên xuống dưới, làm từ trong ra ngoài; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, thẩm quyền của ai thì người đó làm, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng cũng yêu cầu phòng, chống lãng phí phải gắn kết với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là phải gắn kết với sự phát triển đất nước và gắn với 3 đột phá chiến lược. Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao nhận thức đi đôi với hành động trong quá trình thực hiện phòng, chống lãng phí.

Sửa Luật Tiết kiệm, chống lãng phí với chế tài đủ đảm bảo tính răn đe

Thông tin về việc xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ đang chủ động, khẩn trương lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Một trong những vấn đề lớn nhất đối với việc xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là cần xác định đầy đủ, cụ thể các hành vi gây lãng phí trong từng lĩnh vực làm cơ sở xem xét các chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo tính răn đe.

Tại dự thảo Tờ trình Chính phủ Bộ Tài chính đã dự kiến quy định 7 nhóm hành vi gây lãng phí với 96 hành vi gây lãng phí cụ thể. Phân định rõ hành vi gây lãng phí và hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí.

Tuy nhiên, qua tổng hợp ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình tổng kết thực hiện Luật cũng như quá trình góp ý đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật mà Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến, cơ bản chưa có bộ, ngành nào có thông tin phản ánh đề nghị sửa đổi hay bổ sung các quy định về hành vi gây lãng phí thực tế đang phát sinh trong lĩnh vực, địa bàn mà các bộ, ngành, địa phương quản lý.

Về phía Bộ Tài chính hiện nay đã chủ động trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật chuyên ngành theo từng lĩnh vực, cũng như nắm bắt các thông tin để xây dựng một Phụ lục danh mục dự kiến các hành vi gây lãng phí trong từng lĩnh vực phục vụ cho việc thuyết minh cho hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Tuy nhiên, việc xác định hành vi gây lãng phí liên quan đến các lĩnh vực chuyên ngành và các bộ, ngành, địa phương là người nắm rõ nhất các hành vi gây lãng phí trên cơ sở theo dõi, quản lý theo lĩnh vực, địa bàn. Do đó, rất cần có sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương để Bộ Tài chính có cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đảm bảo đáp ứng các yêu cầu, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Tổng Bí thư Tô Lâm.