8

Đầu tư công là một trong những giải pháp tối ưu để đẩy nhanh phục hồi kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh.

Tình hình dịch Covid-19 hiện nay đang đặt người dân, doanh nghiệp, Chính phủ và cả nền kinh tế trước những áp lực rất lớn. Trong bối cảnh này, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đề xuất, trước mắt, chúng ta có lẽ phải tạm đặt mục tiêu tăng trưởng sang một bên để lo chặn đà suy giảm kinh tế trước. Đồng thời, chúng ta cần phải sớm có một kế hoạch để phục hồi nền kinh tế với các giải pháp cụ thể và đột phá.

“Cứu doanh nghiệp còn sống, giữ lại việc làm cho người lao động”

PV: Thưa ông, tình hình dịch bệnh hiện nay đang đặt người dân, doanh nghiệp, Chính phủ và cả nền kinh tế trước áp lực rất lớn. Ông đánh giá thế nào về những giải pháp chúng ta đang có hiện nay?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Dịch bệnh lần này với sự xuất hiện của biến chủng mới đã diễn biến rất nhanh và khó lường, không chỉ ở nước ta mà ở rất nhiều nước khác trên thế giới. Các giải pháp áp dụng rất hiệu quả trong những đợt dịch trước thì nay không còn phù hợp khi mà biến chủng Delta có đặc điểm siêu lây nhiễm. Dịch bệnh lần này lại bùng phát ở những địa bàn đông đúc với đặc điểm dân cư, tập quán sinh hoạt khác nên đòi hỏi phải có những giải pháp rất đặc thù.

kien

TS. Nguyễn Đức Kiên

Trước tình hình này, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất kịp thời về an sinh xã hội, với nguyên tắc trao quyền cho các địa phương và yêu cầu không để ai thiếu ăn. Đầu tháng 8/2021 là Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, mới đây là Công điện 1680/CĐ-TTg về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tinh thần rất rõ là trao quyền cho các địa phương, cho phép các địa phương sử dụng các nguồn lực, kể cả ngân sách địa phương, để cung cấp miễn phí lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân gặp khó khăn, đảm bảo không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc. Vấn đề là triển khai thế nào cho nhanh, vì nhiều người không khó lắm trong đợt giãn cách trước, thì lần này đã rơi vào tình thế khó khăn rồi. Chúng ta cần chấp nhận là có thể có trùng lặp, sai sót nhất định trong thực thi, vì thời gian triển khai gấp, số lượng người đông, không thể đòi hỏi chính xác 100%.

Với doanh nghiệp, bên cạnh việc tiếp tục gia hạn các giải pháp của năm 2020, Chính phủ cũng đang xây dựng Nghị quyết về một số giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những chính sách này sẽ hỗ trợ về dòng tiền cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp duy trì sản xuất, tiếp tục hoạt động, không phải lo đến chuyện nộp thuế thu nhập.

Một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp thua lỗ, dừng hoạt động hay phá sản thì không có thuế để được hưởng chính sách giãn, giảm thuế. Nhưng đây là phương án để cứu những doanh nghiệp còn sống, giữ lại việc làm cho người lao động, chứ không phải cứu những doanh nghiệp đã chết. Chúng ta đang đi theo kinh tế thị trường thì phải chấp nhận quy luật đào thải của nó là sẽ có hàng loạt những doanh nghiệp không trụ nổi phải đóng cửa, những doanh nghiệp khỏe hơn, tốt hơn sẽ trụ lại. Vấn đề lúc này là hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội phải đẩy mạnh để người dân không rơi vào vòng xoáy khủng hoảng và các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi của Nhà nước là phải tăng cường.

“Tất cả chúng ta đều phải chấp nhận khó khăn, thiệt thòi…”

PV: Lúc này thì tất cả đều khó khăn, nguồn thu của Chính phủ giảm trong khi nhu cầu chi rất lớn. Doanh nghiệp cũng rất khó khăn để duy trì hoạt động, đời sống người dân thì bấp bênh, làm sao để có giải pháp hài hòa được, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Trong giai đoạn này, tất cả chúng ta đều phải chấp nhận những khó khăn, thiệt thòi. Doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ ít. Nhà nước phải chấp nhận không có tiền thuế, người lao động cũng phải chấp nhận thu nhập giảm, đời sống giảm.

Doanh nghiệp lỗ ít tức là doanh nghiệp phải chấp nhận hoạt động không có lãi, mà chịu lỗ, nhưng ở mức độ vừa phải, để tạo điều kiện duy trì hoạt động, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, để chờ cơ hội phát triển trở lại khi dịch bệnh đi qua. Để làm được điều này, doanh nghiệp hiện phải thực hiện 2 yếu tố. Một là giữ được người lao động có tay nghề. Hai là giữ được thị trường. Nếu mất 2 yếu tố này, doanh nghiệp gần như cầm chắc phá sản. Trong khi đó, người lao động phải chấp nhận thu nhập giảm, đời sống khó khăn hơn trong trước mắt, nhưng trong tương lai gần, khi dịch bệnh được kiểm soát, thu nhập và đời sống sẽ được cải thiện.

Cuối cùng là Nhà nước cũng phải chấp nhận bội chi ngân sách, trong giai đoạn 2021 - 2022, thậm chí có thể kéo dài sang nửa đầu năm 2023. Dù vậy, thời điểm này lại là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại kinh tế.

Nếu dung hòa được các yếu tố này, Việt Nam sẽ đạt được 3 mục đích, vừa giúp doanh nghiệp “sống”, vừa giúp được người lao động có thu nhập, tái cơ cấu nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu của ngân sách nhà nước. Muốn vậy, chúng ta cần phải có sớm một kế hoạch trong 2 - 3 năm để kinh tế phục hồi.

Một điều nữa là chúng ta, cả xã hội, từ Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động sẽ phải chấp nhận sống chung với Covid-19. Sống chung với Covid-19 tức là coi Covid-19 cũng như bệnh cúm mùa, bệnh sởi hay như dịch hạch, những bệnh luôn tiểm ẩn virus trong xã hội nhưng phải khống chế để nó không trở thành dịch.

Cần sớm có kế hoạch phục hồi kinh tế trong 2 - 3 năm

PV: Vậy ông có đề xuất gì về kế hoạch phục hồi kinh tế mà chúng ta cần có?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Trước mắt, chúng ta có lẽ phải tạm đặt mục tiêu tăng trưởng sang một bên để lo chặn đà suy giảm kinh tế trước. Theo đó, kế hoạch phục hồi cần xây dựng theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, theo mục tiêu là đến tháng 6/2022 cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng thì cũng đồng thời phải đặt mục tiêu chặn đà suy giảm kinh tế từ nay đến tháng 6/2022. Chỉ sau khi đã đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh thì nền kinh tế mới đi lên được.

Như vậy, giai đoạn 2, từ tháng 7/2022 sẽ triển khai các giải pháp đẩy nhanh phục hồi kinh tế, mà trọng tâm vẫn là đầu tư, gồm cả đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI. Trong đó, đầu tư công phải là vốn mồi, có những lĩnh vực đầu tư công phải tập trung làm trước, còn lại huy động các thành phần kinh tế khác tham gia. Tốt nhất là cần đề án tổng thể để tháo gỡ các vướng mắc, còn nếu không thì vướng đâu gỡ đấy.

Với đầu tư công, vẫn phải tập trung vào đầu tư kết cầu hạ tầng, bao gồm hệ thống hạ tầng giao thông năng lượng và hạ tầng phục vụ nông nghiệp. Với đầu tư tư nhân, nên hướng họ tới giải quyết đầu tư các ngành, lĩnh vực hiện đang có thị trường tiềm năng và sử dụng nhiều lao động. Với doanh nghiệp FDI cần thu hút những doanh nghiệp đủ lớn và cam kết lôi kéo được doanh nghiệp Việt vào chuỗi của họ, tận dụng được năng lực, công nghệ, thị trường của họ. Doanh nghiệp FDI không đủ lớn thì không nên là những doanh nghiệp cần ưu tiên kêu gọi.

Muốn thực hiện được thì chúng ta phải có kế hoạch ngay từ bây giờ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội, muộn nhất tại Kỳ họp thứ 3 năm sau phải được duyệt phương án. Trong đó, phải có các chương trình, phương án cụ thể về đầu tư công, về bội chi ngân sách, nợ công, các giải pháp đột phá cho nền kinh tế ngoài những biện pháp mà Quốc hội và các nghị quyết của Đảng đã cho phép.

PV: Xin cảm ơn ông!

Không để doanh nghiệp dừng hoạt động vì thiếu thống nhất trong điều hành

Về nguyên tắc, chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường là chấp nhận sự khốc liệt của nó, đó là doanh nghiệp yếu, doanh nghiệp thiếu năng lực, không đủ linh hoạt sẽ phải phá sản, người lao động sẽ thất nghiệp. Nhưng không thể để doanh nghiệp bị dừng hoạt động vì sự thiếu thống nhất trong điều hành chính sách của chính quyền địa phương, sự phối hợp chưa thống nhất của các bộ, ngành… Doanh nghiệp nào còn có thể hoạt động, còn có thể sản xuất được, đang có thị trường thì cần được hỗ trợ hết sức.

Hoàng Yến (thực hiện)