dau

Ông Lê Mạnh Tuấn – Giám đốc PVTrans Pacific báo cáo với cổ đông kết quả kinh doanh năm 2018 và kế hoạch kinh doanh năm 2019.

Mua thêm 2 tàu chở dầu

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vừa được PVTrans Pacific tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, tất cả các tờ trình của ban lãnh đạo doanh nghiệp đều được đại hội thông qua. Trong số này, đáng chú ý là nội dung về kết quả kinh doanh năm 2018 với doanh thu vượt chỉ tiêu 33%, đạt 1.570,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế vượt 127%, đạt 181,4 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 87%, đạt 66,6 tỷ đồng. Kế đến là nội dung về kế hoạch kinh doanh năm 2019 với chỉ tiêu tổng doanh thu 1.450 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 120,1 tỷ đồng; nộp NSNN 59,5 tỷ đồng; đầu tư mua thêm 2 tàu chở dầu: 1 tàu Aframax và 1 tàu VLCC để tham gia vận chuyển cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và khai thác thị trường quốc tế.

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội, ông Lê Mạnh Tuấn – Giám đốc PVTrans Pacific cho biết, thị trường vận tải dầu thô đã có sự phục hồi mạnh từ đầu quý IV/2018 cả về nhu cầu sử dụng tàu và giá cước vận chuyển ở tất cả các phân khúc, các tuyến vận chuyển do ảnh hưởng của việc đầu cơ tích trữ đón đầu giai đoạn giá dầu tăng, các nước như Trung Quốc và Ấn Độ tăng lượng dầu mua từ Iran để đối phó với lệnh cấm vận của Mỹ… Đối với thị trường vận tải dầu thô trong nước, năm 2018 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã vận hành tối đa công suất, PVTrans Pacific đã bố trí tàu Athena kết hợp khai thác trong nước và quốc tế cùng với lịch hàng đội tàu dầu thô chung khai thác có hiệu quả, đảm bảo duy trì 100% thị phần vận tải dầu thô trong nước.

“Năm nay, thị trường vận chuyển dầu thô được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi ở tất cả các phân khúc và duy trì ở mức cao hơn so với năm 2018. Riêng BSR có nhu cầu vận chuyển khoảng 6,3 triệu tấn dầu thô trong nước và 0,3 triệu tấn dầu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất chế biến của nhà máy. Ngoài ra, việc Liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn đưa Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vào hoạt động chính thức từ cuối năm 2018 cũng sẽ tạo ra nhu cầu vận chuyển và cơ hội cho PVTrans Pacific tham gia nhiều hơn trong việc vận chuyển dầu thô bằng tàu VLCC” – ông Lê Mạnh Tuấn nói.

Chia cổ tức và tăng vốn

Với kết quả kinh doanh đạt được ấn tượng trong năm 2018, lãnh đạo PVTrans Pacific đã thống nhất chia cổ tức cho cổ đông ở mức 10% bằng tiền mặt và nội dung này đã được cổ đông mau chóng thông qua.

Tại đại hội, các cổ đông thắc mắc về các vấn đề như quyết định thay đổi Ban Kiểm soát, giấy mời họp đại hội cổ đông có năm nhận có năm không trong khi năm nào cũng được công ty tổ chức, tỷ lệ trích quỹ khen thưởng phúc lợi do kết quả kinh doanh năm 2018 ấn tượng có đúng luật… đều được ông Lê Mạnh Tuấn giải đáp dễ hiểu, rõ và cụ thể, đã đem lại sự hài lòng cho người đặt vấn đề.

Cũng tại đại hội, một đại biểu tên Ánh, đại diện quản lý danh mục đầu tư của Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, ACB đang đầu tư vào Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (mã Ck: PVT, công ty mẹ của PVTrans Pacific), đồng thời chúc mừng công ty về kết quả kinh doanh đạt được rất khả quan trong năm 2018, đồng thời mong muốn PVTrans Pacific tiếp tục có được kết quả tốt trong năm 2019. Chị Ánh yêu cầu lãnh đạo PVTrans Pacific cho biết kế hoạch tăng vốn của công ty trong dài hạn và công ty mẹ (PVT) có dự định tăng hay giảm tỷ lệ sở hữu trong thời gian tới không?

Giải đáp thắc mắc này, ông Lê Mạnh Tuấn cho biết, trong kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2016 - 2020 của PVTrans Pacific đã được đại hội cổ đông thông qua, công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng, trong khi hiện tại vốn điều lệ mới chỉ 942 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, PVP ra đời trong bối cảnh chung gặp nhiều khó khăn, có khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, hoạt động sản xuất kinh doanh vì thế đã không được khởi sắc, nên các cổ đông sáng lập chưa thể góp vốn theo như kế hoạch.

“Do đó, nếu tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục tốt, PVTrans Pacific sẽ tăng vốn điều lệ như kế hoạch đặt ra và cổ đông cũng không phải bỏ tiền thêm, tức không phải bỏ tiền tươi thóc thật để góp cho đủ 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ. Còn việc thoái hoặc tăng vốn của cổ đông lớn, đặc biệt như cổ đông lớn nhất của PVTrans Pacific, thì đến nay, PVT vẫn chưa có kế hoạch thoái vốn và cũng chưa có kế hoạch tăng tỷ lệ nắm giữ tại PVTrans Pacific” – ông Lê Mạnh Tuấn khẳng định./.

Châu Đỗ