Quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: NNK

Xác định 4 nhóm tài sản công cần đẩy mạnh quản lý

Trình bày tờ trình của UBND TP. Hà Nội tại Kỳ họp thứ 11 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, việc xây dựng "Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030" để có đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế và nguyên nhân.

Trên cơ sở đó, các giải pháp được nghiên cứu, đề xuất để khắc phục nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; đồng thời rà soát phát huy các nguồn lực từ tài sản công thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, theo chỉ đạo của Thành ủy tại Chương trình số 02-CTr/TU ngày 17/3/2021 và Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 31/5/2021 là hết sức cần thiết.

Mục tiêu cụ thể của đề án là hệ thống đầy đủ, cơ bản đánh giá thực trạng và đề xuất định hướng, giải pháp để xử lý, khắc phục và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công thuộc phạm vi quản lý của TP. Hà Nội; phân định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố.

Đề án cụ thể hóa các quy định của trung ương, trong Chương trình số 02-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về "Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu qua, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2021-2025”, đã xác định: Việc nâng cao hiệu quả trong quan lý, sử dụng và khai thác tài sản cộng của thành phố Hà Nội là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo.

Theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm 7 nhóm: tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (nhà, đất, ô tô, tài sản khác); tài sản công tại doanh nghiệp (nhà, đất, ô tô, tài sản khác); tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật; đất đai, tài nguyên; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước.

Trong tờ trình, UBND thành phố cũng chỉ ra, đối với nhóm tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước và nhóm tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật, đây là các nhóm tài sản chỉ xuất hiện trong giai đoạn hình thành tài sản công, sau khi tài sản được giao, xử lý theo văn bản của cơ quan/người có thẩm quyền (quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản của dự án quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân tài sản), sẽ được quản lý, sử dụng và khai thác theo cơ chế áp dụng cho từng nhóm tài sản công khác.

Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng đối với nhóm tài sản là tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước được thực hiện theo pháp luật về ngân sách và pháp luật có liên quan, định kỳ hàng năm được thực hiện quản lý, sử dụng, báo cáo, quyết toán công khai đầy đủ, theo quy định. Do vậy, đề án sẽ không đề cập đến 3 nhóm này.

Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Xuân Lưu cho biết, phạm vi đề án gồm 4 nhóm tài sản công gồm: nhà; đất đai; tài sản kết cấu hạ tầng và tài sản khác. Trong đó, tập trung đi sâu, phân tích, đánh giá, kiến nghị giải pháp đối với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố và đất đai.

Quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch
Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu trình bày tờ trình tại cuộc họp. Ảnh: NNK

Giai đoạn 2022-2025 sẽ có cơ sở dữ liệu tập trung được cập nhật đầy đủ, chính xác

Tờ trình cũng khẳng định, công tác quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường. Công tác quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Mọi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Theo đó, TP. Hà Nội xác định trong giai đoạn 2022-2025, tài sản công của thành phố đã có Cơ sở dữ liệu tập trung được cập nhật đầy đủ và chính xác theo quy định. 100% tài sản chuyên dùng của thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiêu chuẩn, định mức. Đồng thời, thành phố đẩy nhanh tiến độ rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố, đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 90% đối với các cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt mới; xử lý, khắc phục dứt điểm các vi phạm, tồn tại trong quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố giao cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, khai thác trên cơ sở quy định của trung ương và thành phố...; tiếp nhận để quản lý và từng bước sử dụng, khai thác hiệu quả đối với 5 nhóm quỹ đất khai thác giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.

TP.Hà Nội đặt mục tiêu thời gian tới chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định. 100% tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án.

Giải pháp chung là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về tài sản công theo hướng rõ ràng, thống nhất, đồng bộ. Cụ thể, cơ quan chức năng của thành phố tập trung kiến nghị trung ương tháo gỡ những nội dung còn vướng mắc trên thực tiễn, chưa thống nhất giữa pháp luật về tài sản công và pháp luật liên quan. Cùng với đó, thành phố rà soát để sửa đổi, bổ sung quy định của thành phố về tài sản công để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra; tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, theo tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.

Thành phố sẽ thống kê, hệ thống hóa đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu về tài sản công với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin như: đẩy nhanh tiến độ rà soát, phân loại, hoàn thiện hồ sơ pháp lý về tài sản công; xây dựng Cơ sở dữ liệu quản lý tập trung, thống nhất tài sản công của thành phố, đảm bảo đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và có chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan làm cơ sở tăng cường hiệu lực quản lý, hoạch định.../.

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố nhấn mạnh, việc quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố là một trong những lĩnh vực quan trọng, phức tạp, được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo, giám sát, được cử tri Thủ đô đặc biệt quan tâm theo dõi. Việc UBND thành phố xây dựng đề án là cần thiết nhằm đánh giá toàn diện thực trạng công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố; nhận diện những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất các giải pháp kịp thời quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, huy động thêm các nguồn lực tài chính từ tài sản công để đẩy mạnh đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.