Quảng Ninh: Đánh giá chất lượng và hiệu quả của cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân Quảng Ninh: Phát triển nhiều dự án nhà ở cho công nhân, lao động thu nhập thấp

Giảm thiểu tối đa ô nhiễm

Nhằm kiểm soát nguồn phát thải, thời gian qua, Quảng Ninh đã đầu tư, quản lý, vận hành ổn định hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động với 148 trạm. Các dữ liệu từ trạm quan trắc được chuyển tải liên tục, thường xuyên, trực tiếp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương. Đồng thời, công khai thông thông tin bằng nhiều hình thức cho người dân được biết. Tỉnh kiên quyết xử lý các vi phạm đối với các trường hợp có số liệu quan trắc tự động vượt giới hạn cho phép.

Quảng Ninh: Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Hệ thống tưới nước, kiểm soát bụi chuyên dụng của Công ty Tuyển than Hòn Gai (TKV).

Quảng Ninh có số lượng lớn các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện, đơn vị sản xuất than... Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, các KCN, CCN, doanh nghiệp đã chủ động thực hiện những giải pháp giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường. Các nhà máy xi măng, nhiệt điện đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, hệ thống phun sương, thiết bị kiểm soát bụi, khí thải để làm giảm đến mức thấp nhất lượng bụi phát tán vào môi trường. Các doanh nghiệp ngành than tích cực đổi mới công nghệ khai thác, trồng cây cải tạo phục hồi môi trường, cải tạo các công trình đê, đập chắn ngăn ngừa trôi lấp đất đá, nạo vét hệ thống thoát nước, lắp đặt các công trình giảm thiểu bụi, tiếng ồn quá trình vận chuyển, sàng tuyển.

Trước định hướng phát triển là sản xuất sạch, an toàn, hiệu quả, Quảng Ninh đặt ra lộ trình đến năm 2025 sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường. Quảng Ninh không gia hạn thời gian khai thác đối với các mỏ đá đã hết hạn.

Quảng Ninh hiện có 22 khu vực mỏ đá vôi được cấp phép khai thác, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép 6 khu vực mỏ đá, UBND tỉnh cấp phép khai thác 16 khu vực mỏ đá.

Đối với 16 khu vực mỏ đá do tỉnh cấp phép, theo lộ trình đến năm 2025 sẽ có 12/16 mỏ kết thúc khai thác. Với 4 mỏ đá còn lại có lộ trình kết thúc khai thác sau năm 2025, tỉnh tiếp tục vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ vào năm 2025. Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, tỉnh không gia hạn thời gian khai thác đối với các mỏ đá đã hết hạn. Đồng thời, tiếp tục đề nghị các bộ, ngành cho dừng hoạt động các nhà máy xi măng tại Hạ Long và Cẩm Phả trước năm 2030.

Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương trong cả nước ban hành quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng, bè, giàn có sử dụng phao nổi. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương chuyển đổi lồng, bè, giàn bằng phao xốp sang vật liệu thân thiện với môi trường.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Với những tiềm năng vốn có, hạ tầng đồng bộ, đầu tư bài bản, Quảng Ninh cũng là địa phương có các hoạt động du lịch diễn ra sôi động, trong đó, du lịch biển là một trong thế mạnh. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa giữa kinh tế và môi trường.

Quảng Ninh: Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Thuyền thu gom rác thải nhựa trên Vịnh Hạ Long tại khu vực gần Bãi tắm Hòn Gai.

Đối với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã đầu tư 40 máy móc, 3 thiết bị xử lý nước thải, 10 thùng rác nổi cỡ lớn, 117 thùng rác tại các điểm thăm quan... Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra những hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ra quân thu gom rác thải rắn sinh hoạt tại các luồng, tuyến, khu vực dịch vụ, chân đảo, bãi cát...; lắp đặt các thiết bị phân ly dầu – nước tại 100% tàu du lịch. Bên cạnh đó, tất cả các công trình nổi tại khu vực bảo vệ tuyệt đối di sản đã được thay thế phao xốp bằng các vật liệu bền vững, thân thiện môi trường. Tỉnh đã khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt 5 khu vực có đa dạng sinh học cao, tập trung các loài quý hiếm, đặc hữu trên vịnh Hạ Long, bảo tồn các loại thực vật quý.

Quảng Ninh: Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Hệ thống vật liệu bền vững, bảo vệ môi trường được áp dụng tại nhiều vùng nuôi trồng hải sản tập trung huyện Vân Đồn.

Nhằm bảo tồn di sản, Quảng Ninh đã tổ chức các nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học; cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối; triển khai 14 dự án thuộc Đề án cải thiện môi trường tỉnh; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinke, xi măng, dăm gỗ; di dời toàn bộ nhà bè trên vịnh...

Hiện, tỉnh đang tích cực tham vấn các chuyên gia để xây dựng đề án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên cho vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long và xây dựng đề án bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững Vịnh Hạ Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với những lợi thế riêng có, huyện Cô Tô đang dần trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến với Quảng Ninh. Sau mỗi mùa du lịch, công tác xử lý rác thải nói chung, đặc biệt rác thải nhựa là công tác cần thiết.

Từ ngày 1/9/2022, huyện Cô Tô sẽ thí điểm xây dựng huyện đảo không rác thải nhựa. Theo đó, địa phương này sẽ yêu cầu du khách không mang chai nhựa, túi nilon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch tại Cô Tô.

Để giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa trên địa bàn, Cô Tô đã kêu gọi mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể như: Nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong sinh hoạt, làm việc, lao động; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường; tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống như phân loại rác thải tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu...

Với quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán các mục tiêu đã đặt ra, đồng bộ các giải pháp phù hợp, công tác bảo vệ môi trường tự nhiên sẽ được Quảng Ninh tiếp tục thực hiện tốt trong thời gian tới, góp phần đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, phát triển bền vững, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh./.