Năm nay, lễ khai hội diễn ra với phong cách trang trọng, an toàn và tiết kiệm, mang đậm nét đặc trưng văn hóa dân tộc. Các nghi thức trong lễ khai hội bao gồm: Gióng trống, thỉnh chuông khai hội, lễ dâng lễ vật, lễ cầu Quốc thái dân an, và nghi lễ đóng dấu thiêng Yên Tử.
Điểm nhấn đặc biệt năm nay là nghi lễ rước kiệu, với sự tham gia của 11 đội kiệu từ các địa phương trong TP Uông Bí và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, tạo nên không khí trang trọng, đậm đà bản sắc dân tộc trong lễ hội đầu năm.
![]() |
Chương trình biểu diễn nghệ thuật Khai hội Xuân Yên Tử 2025. Ảnh T.D |
Bên cạnh các nghi thức lễ, Hội Xuân Yên Tử 2025 còn bao gồm nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: Đêm hội hoa đăng cầu nguyện Quốc thái dân an, các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu Làng Nương Yên Tử, múa lân, rồng, võ thuật cổ truyền, triển lãm tranh ảnh về vẻ đẹp linh thiêng của Yên Tử, cùng ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi. Một điểm mới trong chương trình năm nay là sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp từ Trung ương và địa phương, với sự góp mặt của những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng.
Ngay từ đầu ngày khai hội, khu di tích Yên Tử đã đón hàng nghìn tăng ni, Phật tử, du khách hành hương. Để đáp ứng nhu cầu du khách, TP Uông Bí cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị chu đáo với kế hoạch tổ chức lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
![]() |
Các đại biểu làm lễ đóng dấu thiêng Yên Tử. Ảnh T.D |
Với việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, Yên Tử đã được kết nối thuận lợi với các di tích lớn khác trong nước, góp phần đưa khu di tích Yên Tử trở thành điểm đến du lịch nổi bật. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa như "Làng Việt, Tết xưa" và các trò chơi dân gian tại khu Làng Nương cũng thu hút đông đảo du khách.
Trong 9 ngày Tết, khu di tích Yên Tử đã đón gần 80.000 lượt khách, góp phần hoàn thành chỉ tiêu thu hút 20 triệu lượt khách du lịch trong năm 2025.
Lễ khai hội Xuân Yên Tử vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm không chỉ là một lễ hội truyền thống, mà còn là dịp để thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, với di sản văn hóa của dân tộc. Yên Tử, gắn liền với sự nghiệp vĩ đại của vua Trần Nhân Tông, đã trở thành một địa linh phúc địa, nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm. Với giá trị văn hóa to lớn, Yên Tử ngày nay không chỉ là niềm tự hào của người dân Quảng Ninh mà của cả dân tộc Việt Nam. Vào năm 2013, khu di tích Yên Tử được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, và hiện nay, hồ sơ đề cử Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn đã được gửi tới UNESCO để xem xét công nhận là Di sản thế giới. |