Quảng Ninh: Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp Quảng Ninh đón những vị khách du lịch tàu biển đầu tiên sau dịch Covid-19

Những tín hiệu của sự phục hồi

Sau nhiều năm vắng bóng, tháng 9 vừa qua, hai hãng tàu vận tải container quốc tế lớn nhất thế giới là MAERSK và SITC đã chính thức mở tuyến cố định tới cảng container quốc tế Cái Lân (CICT Cái Lân) và đưa tàu cập cảng.

Năm 2021, theo bảng đánh giá về hiệu quả hoạt động của 351 cảng container trên toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (WB) và IHS Markit thực hiện, CICT Cái Lân là 1 trong 3 cảng của Việt Nam nằm trong top 50. CICT xếp hạng cao hơn các cảng Hải Phòng và Cái Mép của Việt Nam.

Theo lịch cố định, hãng tàu MAERSK sẽ thực hiện vận chuyển 1 chuyến/tuần trong lịch trình kết nối Trung Quốc - Việt Nam, bắt đầu xuất phát từ Hong Kong theo hành trình Hong Kong - CICT Cái Lân (Quảng Ninh) - Tân Vũ (Hải Phòng) - Yantian - Nighbo - Shanghai - Hong Kong.

Hãng tàu SITC sẽ di chuyển hành trình Cát Lái (Hồ Chí Minh) - Jakarta (Indonesia) - Bintulu (Malaysia) - Xiamen (Trung Quốc) - Incheon (Hàn Quốc) và các cảng Tianjin, Qingdao, Shanghai (Trung Quốc) rồi sẽ đến CICT Cái Lân (Quảng Ninh). Hàng hóa vận chuyển chủ yếu là mặt hàng khô, thiết bị máy móc, công nghệ xuất nhập khẩu và nguyên liệu cho các nhà máy, các khu công nghiệp (KCN)... Đến nay, cả hai hãng tàu MAERSK và SITC đã thực hiện vận chuyển 12 chuyến hàng tới CICT Cái Lân, với tổng số hơn 7.000 Teu.

Đây là tín hiệu cho thấy hoạt động cung ứng quốc tế, vận tải biển, giao thương hàng hóa đã được nối lại sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, đây là khẳng định lợi thế cạnh tranh về cảng nước sâu, hạ tầng đồng bộ, thủ tục hành chính thuận lợi của Quảng Ninh. Việc hai hãng tàu vận tải quốc tế lớn chọn Quảng Ninh trong hành trình điểm đến là cơ hội mới phát huy được thế mạnh lớn về khai thác cảng biển, thúc đẩy kinh tế biển, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Quảng Ninh: Động lực mới cho kinh tế biển
Tàu Le Lapérouse (Pháp) đã cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đưa theo hơn 200 khách quốc tế đến tham quan Quảng Ninh. Ảnh: Thế An.

Giữa tháng 10 này, tàu Le Lapérouse (Pháp) đã cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long để đưa hơn 200 khách quốc tế đến Quảng Ninh. Đây là loại tàu cỡ nhỏ, dịch vụ chuẩn 5 sao, phục vụ khách hạng siêu sang. Trong hải trình tại Việt Nam, Le Lapérouse đã đi qua Côn Đảo, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Tiên Sa (Đà Nẵng), Chân Mây (Huế), Hòn La (Quảng Bình), Hạ Long (Quảng Ninh).

Trong lần cập cảng này, tàu Le Lapérouse sẽ lưu lại 2 đêm, đến ngày 14/10 sẽ rời cảng. Tại Hạ Long, du khách sẽ tham quan, mua sắm, vui chơi… Du khách sẽ kết thúc hành trình tại Hạ Long để đón các chuyến bay về nước.

Việc tàu Le Lapérouse đưa khách cập cảng Quảng Ninh sau gần 3 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19 tạo ra dấu ấn vô cùng quan trọng với du lịch Quảng Ninh nói riêng và kinh tế biển nói chung. Đây cũng là tín hiệu mới đánh dấu sự phục hồi, mở đầu cho mùa du lịch tàu biển, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của tỉnh.

Dự kiến đến đầu tháng 1/2023, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đón thêm các hãng tàu biển lớn cập cảng tại Hạ Long đưa hàng nghìn du khách quốc tế tới tham quan.

Đưa kinh tế biển giữ vai trò chủ đạo

Quảng Ninh hiện có 6 cụm cảng được Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại (Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg) thuộc nhóm I, là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng, có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế...

Để kinh tế biển trở thành ngành kinh tế chủ đạo, ngày 23/4/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt khoảng trên 122 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000 - 300.000 lượt khách, dịch vụ cảng biển đóng góp từ 1,2-1,5% GRDP của tỉnh, hình thành thương hiệu Quảng Ninh trên bản đồ cảng biển khu vực và quốc tế.

Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, Quảng Ninh đã hoàn thành đưa vào khai thác cảng tàu khách quốc tế Hạ Long theo tiêu chuẩn quốc tế; thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên; hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư dự án cảng biển quan trọng như: Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, nghiên cứu đầu tư cảng Con Ong - Hòn Nét, cảng Hải Hà…

Quảng Ninh: Động lực mới cho kinh tế biển
Một góc bến cảng Ao Tiên Vân Đồn - Quảng Ninh. Ảnh: Thế An.

Đáng chú ý, dự kiến cuối tháng 10/2022, Quảng Ninh sẽ đưa vào sử dụng bến cảng Ao Tiên Vân Đồn. Bến cảng Ao Tiên Vân Đồn do Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền đầu tư với với tổng nguồn hơn 600 tỷ đồng, đón 3 triệu lượt khách mỗi năm. Riêng khu vực âu tàu tại cảng Ao Tiên có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu. Bến cảng Ao Tiên Vân Đồn đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh.

Bằng nhiều nguồn lực, Quảng Ninh đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nhằm tạo ra liên kết giữa các địa phương, vùng, khu vực. Nhiều tuyến đường đã và đang được đưa vào sử dụng như: đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đường kết nối đường tỉnh 331 với đường tỉnh 338 (TX. Quảng Yên), đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, đường trục chính Cái Rồng (huyện Vân Đồn)...

Công tác cải cách hành chính cũng được Quảng Ninh đẩy mạnh, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, tỉnh đã hoàn thành kết nối hệ thống một cửa quốc gia (NSW) tại 6/6 chi cục hải quan; giảm được 1h20' đối với thời gian làm thủ tục hàng xuất khẩu; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho 160/160 thủ tục hải quan; 100% khu bến cảng triển khai thủ tục hải quan tự động; đưa máy soi container di động vào hoạt động; kết nối với hệ thống một cửa quốc gia để triển khai các bộ thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải; thực hiện ký số giấy phép điện tử cho tàu thuyền cập hoặc rời cảng…

Với sự định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế biển, Quảng Ninh đã và đang tạo ra nhiều phương thức phát triển kinh tế mới, phù hợp, hiệu quả, từ đó, đáp ứng kịp thời sự phát triển của khu vực và đất nước trước xu hướng cạnh tranh mạnh mẽ toàn cầu./.