thơ tình chiến sĩ

Ảnh minh họa. Nguồn giaoduc.net.vn

Tổng tiến công mùa xuân 1968, đại đội công binh chúng tôi được giao nhiệm vụ mở đường giữ chốt một cứ điểm gần đường 9. Sau 3 ngày quần nhau với địch, đại đội hy sinh gần hết 3 trung đội, còn lại 1 tiểu đội 9 người, 4 người bị thương nặng.

Đêm thứ 3 kiểm tra lại quân số và hậu cần chỉ còn 6 miếng lương khô, nước uống không còn, đường xuống suối bị địch chặn lối, lựu đạn còn 2 quả, cơ số đạn 2 băng AK. Toàn đơn vị bị cô lập, quân chi viện không lên chốt được vì lực lượng địch quá mạnh, pháo kích liên tục, cầm canh kéo dài thời gian chờ trời sáng. Chúng tôi nhận được lệnh bằng pháo hiệu rút quân. Phương án đưa ra là: Hai đồng chí dùng AK bắn từng phát một kéo địch về hướng nam. Ba đồng chí dùng lựu đạn, dao găm và lưỡi lê đánh gần mở đường máu, theo sau là 4 đồng chí cõng 4 thương binh rút về hướng Tây. Một giờ sáng súng nổ phía Nam, địch dồn quân và pháo kích theo hướng nam của cứ địểm. Ba đồng chí mở đường thì 2 đồng chí bị thương còn 1 đồng chí và Tôi dùng lựu đạn diệt tổ phục kích đưa được 4 thương binh xuống núi, lẫn vào rừng theo hướng tây được chừng 2km thì gặp được 1 tiểu đội của ta chi viện.

Vì mất máu quá nhiều nên 3 thương binh đã hy sinh còn lại trung đội trưởng trong cơn hấp hối. Trời tối, mưa dầm Trường Sơn làm cho khói bom đạn chìm xuống, không khí im ắng và tịnh mịch, sau khi hội ý chúng tôi quyết định để lại 1 đồng chí xem chừng chăm sóc trung đội trưởng. Tôi bị thương vào vai nên được ở lại trông thương binh còn các đồng chí khác và tiểu đội chi viện trở lại chốt tìm 2 đồng chí bị thương.

Lúc này vào khoảng 3 giờ sáng, bỗng nhiên Trung đội trưởng hồi tỉnh nằm ngửa mặt lên trời nói chuyện với người yêu trong cơn mê sảng (Tôi lắng nghe lời anh nói chuyện với người yêu: “anh rất nhớ em, từ cái đêm trăng hò hẹn ở quê… và cô ấy là 1 giáo viên… anh hẹn cô ấy anh đưa cô ấy lên mặt trăng dạy các em nhỏ ở trên đó. Cô ấy đẹp lắm như một nàng tiên, mặt đẹp như mặt trăng, trên mặt trăng đang xây các thành phố, thay làng mạc cũ xưa. Anh sẽ cưới em ở trên đó và anh đang lên trước đây-anh đang bay lên vũ trụ đây”. Rồi anh lịm đi - tắt thở).

Tôi nhớ như in lời trăng trối cuối cùng của anh và trong đầu tôi lúc này đang hình thành 1 vài câu thơ mang máng ý của anh. Trời mưa, tối, không giấy bút Tôi đã tháo lưỡi lê ra và viết lên báng súng gỗ mấy chữ: Cô giáo - lên mặt trăng, cưới nhau và tôi cũng lịm đi trong giấc ngủ mệt nhọc và đau vì viết thương.

Trời vừa sáng, tiếng pháo kích làm tôi choàng tỉnh, cũng là lúc đơn vị chuyển 2 đồng chí thương binh ra tiếp tục rút về hướng tây thêm khoảng 3km thì có trạm xá dã chiến. Thương cảm trước cuộc tình ấy tôi đã xúc động viết. Viết bài thơ lên giấy ghi bệnh án của trạm xá và đọc cho đồng chí Trần Hữu Bé chép lại (bản chép đó do đồng chí Bé giữ, sau 34 năm gặp lại đại tá Trần Hữu Bé - Giảng viên Trường Sỹ quan công binh trao lại bài thơ cho tôi).

Tôi đã cầm bài thơ này tìm cô giáo người yêu của anh theo địa chỉ đóng quân ngày xưa ở Hưng Đạo - Hưng Nguyên - Nghệ An. Khi tin anh hy sinh chị đã lấy chồng và đã có 2 con, nhưng anh chồng đã chết vì bệnh. Một đứa con trai đã vào lính công binh ở đoàn Hải Vân - QK4.

Bài thơ ám ảnh tôi mỗi lần đến ngày 27/7, mỗi lần tôi đọc lại bài thơ này, hồn liệt sỹ cứ ẩn hiện trước mắt Tôi để nghe và Tôi đã viết tiếp bài thơ “Chiều tháng 7” nối lại 1 cuộc tình đã hòa vào chiến tranh như hàng triệu cuộc tình khác.

Bài thơ ấy được nhà thơ Nguyến Khắc Thanh, nguyên TBT Tạp chí Sông Hương và Tạp chí Văn nghệ Quân đội đăng tải năm 2000. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã sửa chữa lại đề: “Lời liệt sỹ = gửi người yêu”. Trong lần tôi đọc thơ trên VTV1 nhờ nghệ sỹ Ngọc Thọ đã trình bày bài thơ này nhân ngày 27/7.

Tôi giới thiệu bài thơ này thay 1 nén hương gửi viếng hương hồn liệt sỹ và báo cho anh biết: Lời trăng trối của anh Tôi đã chuyển thể thành thơ gửi về cho người yêu anh rồi. Tuy bị thất lạc 34 năm, dẫu rằng có muộn nhưng cũng đã tới tay người anh yêu.

Thời báo Tài chính Việt Nam trân trọng giới thiệu bài thơ “Lời trăng trối - Gửi người yêu”.

Bài thơ của 2 tác giả: Ý thơ của liệt sỹ - Lời thơ Thanh Châu, nay là nhà thơ Châu Nho.

GỬI NGƯỜI YÊU


Chiều vàng trôi

Mặt trời về khép cửa Trường Sơn

Anh ngắm biên cương

Bâng khuâng nhớ chiều quê hương

***

Chiều vàng trôi

Không níu lại được thời gian

Riêng anh giữ mãi chiều gặp em

Núi trở mình, rừng buông màn đêm

***

Và bây giờ sau lưng núi trăng lên

Trăng đầu tháng lặng yên không nói

Trăng yếu ớt xua chiều đi vồi vội

Trăng hiểu rằng: Từ đây anh xa em

***

Nhớ nhau nhiều là buổi đầu tiên

Khi anh nói lời yêu

Em thẹn thùng cúi mặt

Trăng bẽn lẽn sau vòm cây ẩn nấp

Em nhìn anh. Ôi! Gương mặt trăng đầy

***

Trăng rắc vàng trên mái tóc mây

Trời lấm tấm những vì sao xa lắc

Một dải ngân hà mờ sáng bạc

Ngưu lang chức nữ có gần nhau

***

Trên sao xa cũng sẽ có người

Những làng mạc thay bằng thành phố

Mái trường xinh với đàn em nhỏ

Hát sau giờ ra chơi

***

Âm thanh xa anh không rõ ý lời

Vang tiếng nhạc khoảng không vũ trụ

Và dáng dấp những người thiếu nữ

Cô giáo Lào – nàng tiên hay là em?

***

Đồng đội và anh thức với màn đêm

Súng gác sao trời hiện mảnh trăng đầu tháng

Anh ngỡ mình bay ra ngoài giới hạn

Đến một vì sao xa – nơi ấy – có em yêu!

1968 -


Thanh Châu (Châu Nho)