Quỹ bảo lãnh tín dụng đã phát huy vai trò

Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được hiện theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP (Nghị định 34). Văn bản này quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ BLTD tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để cấp bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV vay vốn tại các tổ chức cho vay theo quy định tại nghị định này.

Ông Nguyễn Việt Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng thuộc Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 34 và các thông tư hướng dẫn sau 4 năm triển khai đã tạo nguồn vốn vay để phát triển các DNNVV, góp phần tích cực đồng bộ hóa hệ thống chính sách tài chính ngân hàng, đóng góp sự phát triển kinh tế đất nước.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu không có tài sản thế chấp sẽ khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu không có tài sản thế chấp sẽ khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Ảnh: TL

Theo quy định tại Nghị định 34, quỹ BLTD có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có báo cáo tài chính riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Quỹ hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại nghị định này và pháp luật liên quan khi không quy định tại nghị định này.

Ông Daniel Fitzpatrick - Giám đốc Văn phòng Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối DNNVV (USAID LinkSME) cho biết, các DNNVV thường gặp khó khăn về tài chính. Trong khi đó, các ngân hàng lại thường không mặn mà với đối tượng này do khoản vay thường nhỏ, mà khối lượng công việc quá cao so với quy mô khoản vay. Đặc biệt, các DNNVV cần vay vốn, nhưng không có tài sản thế chấp thì việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng lại các khó khăn hơn. Để giải quyết vấn đề này, một số DNVVN nhờ bên thứ ba bảo lãnh khoản vay và theo đó, việc ra đời và hoạt động của các quỹ BLTD có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ các DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn để phục vụ nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối diện khó khăn, nhưng sẽ có giải pháp khắc phục

Thực tế hoạt động của các quỹ BLTD thời gian qua cho thấy, cũng có không ít những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Một số địa phương thậm chí cũng không mặn mà với việc thực hiện quyền và trách nhiệm trong phát triển và duy trì hoạt động của quỹ, có những địa phương sau khi thành lập quỹ một thời gian lại giải thể do không duy trì được hoạt động. Số lượng quỹ từ năm 2018 đến nay thậm chí có xu hướng giảm ít đi, cụ thể trong năm 2018 và 2019 cả nước có 27 quỹ BLTD hoạt động. Tuy nhiên, Quỹ BLTD Đà Nẵng giải thể vào năm 2020, nên chỉ còn 26 quỹ và tiếp tục giảm xuống còn 25 quỹ vào năm 2021. Trong năm 2021, Quỹ BLTD Đắk Lắk được thành lập thêm, nhưng lại có 2 quỹ bị giải thể là Quỹ BLTD tỉnh Quảng Nam và Quỹ BLTD tỉnh Phú Yên. Số lượng 25 quỹ tiếp tục được duy trì cho đến năm 2022.

Một trong những vấn đề nổi lên trong quá trình triển khai thời gian qua là ở một số địa phương không có tiêu chí rõ ràng để bảo lãnh cho doanh nghiệp. Trong khi đó, lãnh đạo của nhiều địa phương cũng tỏ ra chưa thực sự quan tâm đến hoạt động và vai trò của quỹ, những người liên quan thậm chí chưa đọc kỹ Nghị định 34, chưa hiểu rõ các nội dung của nghị định, nên chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ mà Chính phủ giao và phân cấp.

Thông tư số 15/2019/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư số 57/2019/TT-BTC hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư số 45/2018/TT-NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong cho vay có bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP. Thông tư số 04/2019/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư số 209/2015/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng đối với quỹ đầu tư địa phương địa phương.

Ngay cả việc cấp vốn cho quỹ, mặc dù Nghị định 34 và các văn bản hướng dẫn đã yêu cầu khá cụ thể về việc nguồn vốn cho quỹ chủ yếu là hỗ trợ từ ngân sách địa phương (cấp vốn điều lệ ban đầu, cấp bổ sung vốn điều lệ). Tuy nhiên, tính đến 31/12/2021, mới chỉ có 10 quỹ BLTD có vốn điều lệ tối thiểu đạt 100 tỷ đồng, một số quỹ BLTD khác có vốn điều lệ chỉ từ 4 - 80 tỷ đồng, riêng Quỹ BLTD Đồng Nai có vốn điều lệ thực có thấp nhất là 4 tỷ đồng.

Khó khăn là vậy, nhưng thời gian qua một số chuyên gia cũng đưa ra những đề xuất, tham mưu để thúc đẩy cho quỹ BLTD có thể hoạt động hiệu quả hơn, TS. Phạm Phan Dũng - chuyên gia tư vấn Dự án USAID LinkSME cho biết, thời gian tới Chính phủ nên giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) xây dựng hệ số tín nhiệm của các DNNVV, tạo điều kiện để các quỹ BLTD khai thác cơ sở dữ liệu, phục vụ hoạt động BLTD.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại đã có hệ thống thẩm định tín dụng có thể đánh giá mức độ tín nhiệm của các DNNVV mà quỹ có thể bảo lãnh. Theo đó, ông Dũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên chỉ đạo các tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm của các ngân hàng thương mại phối hợp với các quỹ BLTD để vừa khai thác tốt cơ sở dữ liệu của các DNVVN, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tránh được sự chồng chéo đối với việc thẩm định khoản vay giữa quỹ BLTD và các ngân hàng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, các địa phương cũng cần quan tâm bố trí trong dự toán ngân sách để cấp đủ vốn cho quỹ BLTD; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện và quản lý quỹ BLTD, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.