Thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện chính thức được thực hiện từ ngày 1/1/2013. Việc thu phí được thực hiện qua 109 trạm đăng kiểm và các chi nhánh trên cả nước.Theo quy định hiện hành, mức thu phí thấp nhất đối với xe ô tô con cá nhân là 130.000 đồng/tháng và cao nhất là 1.040.000 đồng/tháng đối với phương tiện có trọng tải trên 27 tấn.

Nhìn chung, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô đã được triển khai tương đối thuận lợi, các chủ xe chấp hành nghiêm túc.

Trong quá trình thực hiện có phát sinh một số vướng mắc, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải đã xử lý kịp thời. Chẳng hạn như, cho phép nộp phí theo năm, theo tháng, không thu đối với xe không đăng ký lưu hành (xe chuyên dùng tại các cảng hàng không, sân bay, bến cảng, hầm mỏ…).

Theo Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương (BTĐB), đến tháng 7/2013, đã thu được hơn 2.700 tỷ đồng từ phí sử dụng đường bộ của xe ô tô. Dự kiến cả năm sẽ thu được khoảng 4.400 tỷ đồng.

duong vanh dai 3
Từ nguồn phí đường bộ, nhiều tuyến đường được bảo dưỡng thường xuyên. Ảnh:HT

Hoạt động của Quỹ BTĐB bước đầu đã phát huy hiệu quả, hệ thống đường bộ có nguồn kinh phí để duy tu, bảo trì thường xuyên, từ đó chất lượng nhiều tuyến đường được nâng cao

Theo Quỹ BTĐB, kế hoạch chi của Quỹ BTĐB trong năm 2013 là hơn 4.300 tỷ đồng, trong đó 65% nguồn thu trên đầu xe ô tô và phần còn lại 1.500 tỷ đồng do ngân sách cấp bù. Đến nay đã cấp 5 đợt cho việc bảo trì quốc lộ 2.137 tỷ đồng trên giá trị thực hiện thực tế khoảng 2.388 tỷ đồng.

Công tác bảo dưỡng hệ thống quốc lộ thời gian qua đã thực hiện tốt hơn trước, nhất là các tuyến đường bị hư hỏng do bão lũ được khắc phục kịp thời, đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải của người dân. Chất lượng nhiều tuyến đường đã được nâng lên rõ rệt như quốc lộ 9, quốc lộ 1 (đoạn Nghệ An – Quảng Trị, Quảng Ngãi – Khánh Hòa)….

Để đảm bảo tính hiệu quả sử dụng nguồn vốn từ việc thu phí bảo trì đường bộ, đại diện Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc bảo dưỡng thường xuyên sẽ thực hiện theo phương thức đặt hàng và đấu thầu qua hình thức hợp đồng theo chất lượng đầu ra, kiểm soát chặt kết quả thực hiện.

Công tác sửa chữa định kỳ tuân thủ chặt chẽ các trình tự, thủ tục về đầu tư tương tự công trình XDCB. Tổng cục đã xây dựng danh mục công trình dự án theo thứ tự ưu tiên làm cơ sở để bố trí vốn. Việc đầu tư phải thực hiện trên tinh thần có địa chỉ, có dự án rõ ràng, minh bạch.

Ngoài ra,Tổng cục cũng đang triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ bằng các trạm cân lưu động, để hỗ trợ đắc lực cho bảo vệ đường sá. Qua thí điểm trạm cân lưu động trên quốc lộ 5 cho thấy, nếu làm tốt công tác bảo vệ đường thì tiết kiệm được chi phí để sửa chữa.

Các tuyến quốc lộ như: 62, 91, 2, 1, 14, 5, 70 và các cầu Việt Trì, Chương Dương… sẽ được ưu tiên sửa chữa định kỳ trong năm 2013.

Việc thu phí sử dụng đường bộ ngay từ khi áp dụng đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng người dân sẽ ủng hộ nếu tiền đóng góp được chi hiệu quả, chất lượng cầu đường tốt lên để đảm bảo ATGT và thúc đẩy phát triển KT- XH; nhất là, đẩy mạnh SXKD tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải./.

Minh Tâm