gio lam viec

Giờ làm việc nên để địa phương tự quyết định. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước bắt đầu từ 8h30. Đề xuất đang nhận được rất nhiều quan điểm trái chiều của dư luận.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), giờ làm việc trong các cơ quan nhà nước tại Việt Nam hiện nay đang không có sự thống nhất giữa trung ương và địa phương. Cụ thể, các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8h, trong khi đa số địa phương bắt đầu từ 7h vào mùa hè hoặc 7h30 với mùa đông.

Bày tỏ quan điểm về đề xuất này, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, cá nhân ông và Thường trực Ủy ban không ủng hộ phương án này của cơ quan soạn thảo. Lý do là hiện nay thời gian bắt đầu, kết thúc làm việc hay nghỉ trưa đã được nghị định của Chính phủ cho phép, Thủ tướng quy định ở trung ương còn chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đối với các địa phương phù hợp với điều kiện thời tiết và tâm lý, phong tục tập quán của mỗi vùng miền.

“Làm gì có chuyện thống nhất 8h30 cho toàn quốc, chẳng hạn miền Nam 6h sáng mặt trời đã lên nhưng miền Bắc 8h vẫn còn âm u thì không giống nhau được. Giờ làm việc phải để cho các địa phương tự quyết định” – ông Lợi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho rằng dù để địa phương tự quyết định nhưng cũng có thể linh hoạt cho từng vùng miền trong tỉnh, chẳng hạn miền núi và đô thị có thể không nhất thiết phải cùng một khung giờ làm việc. “Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo phải tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, đến khi nào người dân đồng tình để điều chỉnh theo quan hệ xã hội” – ông Lợi nói.

Trước đó, tại một cuộc hội thảo góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp cũng bày tỏ quan điểm không tán thành với giờ làm việc 8h30 vì cho rằng quá “trễ”. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, thời giờ nghỉ trưa có thể lâu hơn nhưng giờ bắt đầu làm việc không nên quá muộn, khoảng 8h là hợp lý.

“Giờ làm việc cần xem xét đến điều kiện khí hậu ở từng vùng miền, thời gian kết thúc nên kéo dài hơn để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp” – bà Hương nêu ý kiến.

Tương tự, ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, nhiều nước trên thế giới đã có quy định giờ làm việc linh hoạt để giải quyết các vấn đề giao thông nhằm không gây ùn tắc, quan trọng là phù hợp với người đi làm hoặc có nhu cầu đưa đón trẻ đi học.

Không chỉ vậy, ông Cẩm đề xuất một số cơ quan cần phục vụ người dân sau giờ làm việc như bảo hiểm, ngân hàng, cơ hành chính nhà nước… có thể kéo dài thời gian làm việc so với bình thường, chẳng hạn đến 7h tối để phục vụ người dân tốt hơn. “Quy định thống nhất một giờ làm việc có thể gây ách tắc giao thông và làm xáo trộn trong xã hội” – ông Cẩm nhấn mạnh./.

Mai Đan