Thực hiện đồng bộ các giải pháp, hy vọng sớm gỡ được thẻ vàng

Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) năm 2017. Điều này đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang châu Âu sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác xuất, tức doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang EU chiếm khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. Con số này cho thấy tầm quan trọng của việc tháo gỡ thẻ vàng IUU. Do vậy, chính quyền và ngư dân các tỉnh ven biển đang nỗ lực thực hiện giải pháp đồng bộ, cấp bách với hy vọng sớm gỡ được thẻ vàng của EC để sản lượng thủy, hải sản xuất khẩu tăng thêm.

Theo đó, một số tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ninh, Bình Thuận... đã tăng cường xử phạt hành vi khai thác IUU, nhất là vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Các tỉnh Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng có tỷ lệ lắp thiết bị định vị VMS cao (thiết bị giám sát hành trình), trên 95%.

Chính quyền và ngư dân các tỉnh ven biển đang nỗ lực thực hiện giải pháp đồng bộ, cấp bách với hy vọng sớm gỡ được thẻ vàng. Ảnh: Nguyên Phương
Chính quyền và ngư dân các tỉnh ven biển đang nỗ lực thực hiện giải pháp đồng bộ, cấp bách với hy vọng sớm gỡ được thẻ vàng. Ảnh: Nguyên Phương

Điển hình, đối với tỉnh Bình Thuận, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh liên tiếp chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp và yêu cầu khắc phục tồn tại, hạn chế theo ý kiến kết luận của Đoàn thanh tra EC. Đến nay, gần 99% tàu cá từ 15m trở lên ở Bình Thuận đã lắp thiết bị giám sát hành trình để thuận tiện quản lý. Tỉnh này cũng tăng cường lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ trên biển nhằm phát hiện, bảo vệ, ngăn chặn tàu cá và ngư dân có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài; tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân về IUU...

Tương tự, tại Cà Mau, tới thời điểm này 100% phương tiện khai thác thuộc diện bắt buộc đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, tỉnh đã xử lý triệt để các tàu vi phạm, đồng thời đã lập một tổ công tác về IUU, nhằm tháo gỡ bằng được những vướng mắc thuộc về chủ quan, nhất là công tác rà soát các phương tiện quá hạn đăng ký, đăng kiểm.

Hay như tỉnh Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có 9.800 tàu cá đăng ký hoạt động. Đến nay, đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 3.649/3.885 tàu, còn lại 236 tàu cá thuộc diện xóa đăng ký, tàu nằm bờ và bị ngân hàng quản lý. Theo ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã kêu gọi bà con chấp hành nghiêm các quy định của Luật Thủy sản 2017 và các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU.

Hành động quyết liệt trong tháng cao điểm

Mặc dù các địa phương có quyết tâm và đạt nhiều kết quả trong công tác tháo gỡ thẻ vàng nhưng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng nhận định, hiện công tác gỡ thẻ vàng vẫn còn nhiều tồn tại. Các cảng cá được đầu tư nhưng hạ tầng chưa đáp ứng các yêu cầu do khá xập xệ. Trong khi đó, nguồn nhân lực tại cảng yếu, không có cán bộ chuyên ngành phù hợp để kiểm soát. Kinh phí các địa phương dành cho kiểm soát yếu, hệ thống máy tính, mạng rất chậm, không đủ. Công tác đào tạo nhân sự chuyên về kiểm soát chất lượng hiện cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều tàu thậm chí không lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình, hoặc tháo thiết bị lắp từ tàu này lên các tàu khác…

Cũng theo ông Hùng, cuối tháng 10/2022, đoàn công tác của EC sẽ sang kiểm tra tình hình thực tế việc khắc phục 'thẻ vàng' IUU của Việt Nam. EC sẽ tới nhiều địa phương và kiểm tra kỹ tại các cảng cá. "Khả năng cao đợt này chưa gỡ được thẻ vàng và nguy cơ thẻ đỏ vẫn rất lớn"- lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản nhận định.

Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp sẽ giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU

Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, trước đó, trung tuần tháng 9/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 1077/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Theo đó, các dự án ưu tiên thực hiện tại đề án bao gồm: Dự án thông tin, truyền thông và đào tạo, tập huấn nhằm thực thi Luật Thủy sản, phòng chống khai thác IUU ở trong và ngoài nước. Đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cảng cá, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm soát tàu cá, truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác tại cảng cá, phòng, chống khai thác IUU…

Để tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản, mới đây Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến kêu gọi tất cả ban, bộ, ngành, địa phương phải hành động quyết liệt trong tháng cao điểm chống khai thác IUU. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, điều quan trọng nhất khi EC kiểm tra là các tỉnh, thành phố ven biển đã có sự chuyển biến về nhận thức và tạo ra những kết quả thật, có thể minh chứng bằng số liệu.

Nhằm phục vụ tốt nhất cho các buổi làm việc với EC trong đợt kiểm tra tới, ông Phùng Đức Tiến đề xuất các tỉnh, thành phố lập báo cáo kết quả chống khai thác IUU của địa phương; kế hoạch, tiếp và làm việc với đoàn thanh tra của EC. “Các địa phương cần nhanh chóng rà soát toàn bộ hồ sơ, tài liệu chứng minh liên quan đến chống khai thác IUU để cung cấp, báo cáo khi EC yêu cầu”- ông Phùng Đức Tiến nêu rõ.