Trạm thu phí Đại Xuyên trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Trạm thu phí Đại Xuyên trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại thực tế đang đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh các dự án xã hội hóa theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường về vấn đề này.

* PV: Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết, hình thức hợp đồng BOT có những ưu điểm gì thu hút vốn đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực giao thông?

- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Giai đoạn trước 2015, chúng ta thực hiện theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP thì ngoài hình thức BOT có thêm hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), BTO (hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh).

Tuy nhiên, đối với hình thức BT, bản chất chính là đầu tư bằng ngân sách nhà nước, hàng năm ngân sách phải bố trí vốn để trả cho nhà đầu tư dự án BT và hình thức này không thể thực hiện trong điều kiện nguồn vốn ngân sách khó khăn. Còn hình thức BTO cũng không phù hợp với lĩnh vực xây dựng đường bộ, vì theo hình thức này nhà đầu tư xây xong, bàn giao cho Nhà nước và nhà đầu tư kinh doanh dự án đó trong một thời gian nhất định. Như vậy với hình thức này Nhà nước phải chịu nhiều rủi ro hơn hình thức BOT khi nhận bàn giao lại công trình, chịu trách nhiệm về chất lượng, bảo trì.

Hình thức đầu tư BOT khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư công, giảm bớt gánh nặng tài chính cho Chính phủ, là hình thức đầu tư có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên (nhà đầu tư, cơ quan nhà nước, ngân hàng và người sử dụng), góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua hợp tác với khu vực tư nhân, giảm chi phí và cung cấp dịch vụ ổn định.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường

* PV: Thực tế có nhiều kiến nghị về giảm phí tại tác dự án BOT. Ông có cho rằng phương án giảm phí BOT, kéo dài thời gian thu phí để giảm áp lực lên doanh nghiệp ngay trong lúc này là khả thi không?

- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trong quá trình nghiên cứu, lập, phê duyệt dự án chúng tôi đã tính toán phương án tài chính để xác định mức phí và thời gian thu phí trên cơ sở đảm bảo hiệu quả dự án, hài hòa lợi ích các bên. Thực tế với mức lãi suất huy động tín dụng như hiện nay, dự án chỉ khả thi khi thời gian thu phí dưới 25 năm, các dự án có thời gian thu phí dài hơn mức trên sẽ không khả thi về mặt tài chính, dự án không thể hoàn vốn do khi đó tổng số lãi vay ngân hàng có thể lớn hơn tổng số doanh thu thu phí.

Hiện nay, các dự án BOT đang triển khai đều có mức thu phí tương đối dài (chủ yếu từ 18 - 22 năm), nếu tiếp tục giảm phí thì phương án tài chính của dự án không khả thi. Do vậy, Bộ GTVT, các nhà đầu tư và các ngân hàng cung cấp tín dụng) dự kiến sẽ xem xét việc điều chỉnh mức phí tại các dự án BOT sau khi quyết toán dự án, khi mà giá trị quyết toán dự án sẽ thấp hơn tổng mức đầu tư dự án ban đầu.

Ngoài ra, các dự án BOT hiện nay đều vay vốn từ các ngân hàng trong nước, trong khi các ngân hàng chủ yếu chỉ cung cấp các khoản tín dụng ngắn hạn và trung hạn (dưới 20 năm), nếu dự án có thời gian thu phí dài quá 25 năm thì nhà đầu tư khó có thể tiếp tục thu xếp vốn vay.

* PV: Người dân phản ánh có những khu vực bố trí khá dày trạm thu phí, nếu tính số km di chuyển thì chưa đủ 70km như tuyến đường từ Hà Nội đi Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định. Xin ông giải thích rõ hơn về vấn đề này?

- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư các dự án đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT đều được Bộ GTVT thực hiện đúng trình tự, tuân thủ quy định hiện hành, các dự án đều lấy ý kiến của địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và được Thủ tướng Chính phủ cho phép, đặc biệt trong việc đặt các trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án.

Tuy nhiên, sắp tới chúng tôi sẽ rà soát lại các trạm thu phí, đảm bảo hài hoà lợi ích nhà đầu tư và các doanh nghiệp vận tải.

* PV: Liệu bao giờ sẽ có trạm thu phí đầu tiên được Nhà nước mua lại phục vụ người dân, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Hầu hết các dự án BOT mới được đầu tư, đang trong giai đoạn ban đầu khai thác thu phí để hoàn vốn. Theo quy định thông thường sau khoảng 20 - 25 năm, sau khi hoàn vốn theo hợp đồng đã ký, các công trình này sẽ được bàn giao cho Nhà nước. Hiện tại do ngân sách đang khó khăn, nếu mua lại sẽ làm nợ công càng tăng cao hơn, do đó phải chờ khi kinh tế tốt lên mới tính đến mua lại trạm thu phí. Về mặt chủ trương, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ khi thu nhập bình quân đầu người tương đương khu vực, khoảng 10.000 - 15.000 USD/người thì đặt vấn đề Nhà nước mua lại trạm thu phí để việc đi lại của người dân thuận lợi hơn.

* PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, đầu tháng 6/2016 sẽ tổng kết 5 năm thực hiện BOT, báo cáo Chính phủ những điều chỉnh quy hoạch đầu tư các dự án, mức phí… rà soát xem xét nhập lại các trạm thu phí, giãn thời gian thu phí để mức thu thấp xuống nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu cho trạm, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và đơn vị vận tải, giảm mức thu cho phương tiện vận tải lớn, tăng sức chuyên chở.

Trí Dũng (thực hiện)