Thị phần của Việt Nam tăng gần gấp đôi

Số liệu từ Bộ Công thương trích nguồn từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2023, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc với 36% thị phần. Việt Nam đứng vị trí thứ 2 với 14% thị phần.

Thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 2 năm 2024 của Việt Nam ước đạt gần 288 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2024, ngành rau quả tiếp tục tăng trưởng 15 - 20%, tương đương 6,5 - 7 tỷ USD nếu chúng ta tận dụng tốt thời cơ. Bằng chứng là 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt gần 750 - 800 triệu USD.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong năm 2023, rau quả Việt Nam nổi lên như một hiện tượng và vượt hẳn Chile - quốc gia nhiều năm liền đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc. Trong đó không thể không kể đến một số mặt hàng có mức tăng trưởng cao như sầu riêng tăng 1.107% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá, mít tăng 44,6%, xoài tăng 44,2%, ớt tăng 34,5%... so với năm trước.

Tổng cục Hải quan Việt Nam đánh giá, ngay trong tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu của ngành hàng rau quả có nhiều tín hiệu khả quan tại thị trường Trung Quốc, với trị giá chiếm 62,4% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. Cụ thể, số liệu thống kê mới nhất cho thấy, rau quả xuất khẩu sang thị trường này đạt 306 triệu USD, tăng 20,1% so với tháng 12/2023 và tăng 103,9% so với tháng 1/2023.

Rau quả Việt dần chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của nước ta. Ảnh: TL

Đáng chú ý, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của nước ta chiếm tới 65% thị phần. Hiện có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gồm sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây. Hơn thế nữa, thị trường tỷ dân này đang ngày gia tăng nhập khẩu các sản phẩm rau quả chế biến sẵn từ Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để chúng ta vừa tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, vừa nâng cao giá trị lợi nhuận cho rau quả Việt.

Cơ hội thị phần sầu riêng của Việt Nam “vượt mặt” Thái Lan

Rau quả là ngành hàng sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nước ta với chất lượng ngày càng được nâng cao. Đồng thời, với sự tương đồng về khẩu vị, thuận lợi về vị trí địa lý và hoạt động xuất, nhập tại các cửa khẩu. Đây là lợi thế mà Thái Lan và Malaysia không có được. Một số mặt hàng rau quả Việt có rất nhiều lợi thế để tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, thậm chí có thể “vượt mặt” Thái Lan.

Rau quả Việt dần chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc
Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam. Ảnh: TL

Đơn cử, như trái sầu riêng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới và Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để chiếm lĩnh thị trường này kể từ khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào tháng 7/2022.

Số liệu từ Bộ Công thương trích nguồn từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2023, xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến của các nước sang đây đạt 24,4 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 8,6 tỷ USD, chiếm 36% thị phần tại thị trường này. So với cùng kỳ năm 2022, thị phần của Thái Lan giảm gần 2%. Đứng vị trí thứ 2 là Việt Nam với kim ngạch 3,4 tỷ USD. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc tăng gần gấp đôi từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023.

Theo thống kê, năm 2023, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, đạt 493.000 tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 1.107% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022. Con số này đã đưa thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh lên 34,6%.

Đáng chú ý, 2 tháng đầu năm 2024, sầu riêng Việt "một mình một chợ" tại Trung Quốc, khi mùa này không phải là mùa thu hoạch trái sầu riêng tại Thái Lan và Malaysia. Thời điểm hiện tại, giá sầu riêng tăng bình quân 20% so với cuối năm ngoái và dự báo, xuất khẩu quả này sẽ mang về 3,5 tỷ USD trong năm nay.

Hiện nước ta có 708 vùng trồng, 168 cơ sở đóng gói được xuất khẩu sang Trung Quốc. Được biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành thủ tục và hồ sơ đề nghị Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam. Nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép, triển vọng xuất khẩu mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng bứt phá thời gian tới.

Theo các chuyên gia, sầu riêng Việt hoàn toàn có khả năng vượt qua Thái Lan ở thị trường Trung Quốc. Để có được thành quả đó, sầu riêng Việt cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm các quy định thông qua phát triển diện tích vùng trồng, cấp mã số, chế biến sâu, đa dạng mẫu mã bao bì....

Ngoài ra, thông tin từ Bộ Công thương cho hay, thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở của thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của nước ta, như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dưa hấu, chanh leo…

Với tất cả những lợi thế và điều kiện thuận lợi nêu trên, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng và tin tưởng, thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ có sự bứt phá ngoạn mục tại thị trường Trung Quốc trong tương lai không xa./.