"Tiền mất tật mang" vì vay qua mạng

Theo Cục Cảnh sát hình sự, (Bộ Công an), cùng với xu thế phát triển công nghệ thông tin mạng, các đối tượng phạm pháp lập các doanh nghiệp để núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền.

Với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật), các đối tượng phạm pháp đã khống chế cưỡng đoạt tài sản của những người vay lãi.

Nguồn: Bộ Công an Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Công an. Đồ họa: Văn Chung

Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát hình sự đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch, tập trung vào các đối tượng hình sự hoạt động tín dụng đen núp bóng công ty tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay qua app, website để ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Điển hình như, ngày 25/5/2022, Công an TP. Hà Nội đã đồng loạt tiến hành bắt giữ gần 300 đối tượng, khám xét tại nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên liên quan đến hoạt động tín dụng đen của Công ty Newstar có ngành nghề kinh doanh dịch vụ cầm đồ do 1 đối tượng người Trung Quốc làm giám đốc, đối tượng Nguyễn Quang Vũ (sinh năm 1987, trú tại Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) làm phó giám đốc.

Thủ đoạn của nhóm đối tượng là thuê người am hiểu công nghệ thông tin, tạo lập nhiều app cho vay tiền với lãi suất từ 15 - 20% rồi quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, website để tìm kiếm khách hàng. Ngoài ra, Vũ còn thành lập nhiều công ty khác nhau để thực hiện chức năng tìm kiếm khách hàng vay, thẩm định, đòi nợ, nhắc nợ, kế toán… Trên thực tế, khách hàng vay từ các app này phải chịu lãi suất trên 2.000%/năm.

Các đối tượng còn dùng nhiều thủ đoạn nhắc nợ, đòi nợ như gọi điện đe dọa, cắt ghép hình ảnh con nợ đưa lên mạng xã hội để bôi nhọ, xúc phạm người đi vay. Ngày 12/7/2022, Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây cho vay qua app. Các đối tượng tạo lập trên 300 ứng dụng cho vay, liên kết với khoảng 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính fintech để cho vay các gói từ 2 - 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày, với lãi suất trên 2.000%/năm.

Điều tra ban đầu xác định, có gần 160.000 người đã vay qua các app do nhóm đối tượng điều hành với số tiền giao dịch hơn 1.800 tỷ đồng.

Cần tăng nặng chế tài xử lý hành vi tín dụng đen trên mạng

Theo Cục Cảnh sát hình sự, thống kê từ giữa năm 2019 đến giữa năm 2022, cơ quan công an đã tiếp nhận, phát hiện 1.592 vụ/2.771 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cơ quan công an đã khởi tố 1.038 vụ/2.025 bị can; xử phạt hành chính 359 vụ/485 đối tượng. Mặc dù đã quyết liệt vào cuộc nhưng hoạt động tín dụng đen trên không gian mạng vẫn có nguy cơ gia tăng, ngày càng tinh vi, thách thức lực lượng chức năng.

Đáng cảnh báo là bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hợp đồng tín dụng đen.

Quảng bá các kênh vay vốn chính thống đến người dân

Để ngăn chặn tội phạm tín dụng đen qua không gian mạng, Cục Cảnh sát hình sự đề nghị UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành Ngân hàng phổ biến tuyên truyền giới thiệu các kênh huy động, vay vốn chính thống; đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng, hệ thống tài chính vi mô, quan tâm, kịp thời có hình thức hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn; xây dựng các mô hình kinh tế lành mạnh, hướng dẫn, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên đầu tư, kinh doanh chính đáng, góp phần hạn chế người dân, đoàn viên, hội viên tham gia, tiếp tay hoặc tìm đến tín dụng đen để vay vốn.

Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên, hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ, hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khách hàng có thể không để ý, hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.

Cục Cảnh sát hình sự cũng có đề nghị cần tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản tín dụng đen. Để ngăn chặn tội phạm tín dụng đen qua không gian mạng, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm liên quan đến tín dụng đen trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương với hình thức sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động..., gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.

Liên quan đến giải pháp ngăn chặn tín dụng đen, TS. Phan Phương Nam - Phó Trưởng khoa Luật Thương mại (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) cũng đồng thuận việc cần tiến hành đẩy mạnh tuyên truyền để cá nhân tự ý thức bảo vệ thông tin cá nhân; đồng thời, tăng nặng các chế tài xử lý đối với các hành vi lợi dụng công nghệ ăn cắp thông tin cá nhân để lừa đảo trên không gian mạng.

Nâng cao nhận thức cho người dân tham gia không gian mạng

Theo TS. Phan Phương Nam - Phó Trưởng khoa Luật Thương mại (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh), để ngăn chặn các hành vi lừa đảo trên không gian mạng, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng nên khuyến cáo người dân, khách hàng cần tìm hiểu nâng cao kỹ năng, kiến thức về công nghệ thông tin để bảo vệ chính mình, trước khi cần cầu cứu cơ quan chức năng.

Các nhà cung cấp dịch vụ thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng trong việc xử lý những trang web độc hại, cài đặt các phần mềm ăn cắp thông tin để hạn chế và tiến hành loại bỏ các trang web này. Việc làm này cần phải thường xuyên và liên tục để góp phần bảo vệ sự an toàn của người sử dụng mạng.

Theo ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc quốc gia Kaspersky Việt Nam, khảo sát của Kaspersky gần đây cũng chỉ ra rằng, chủ yếu vấn đề rủi ro xảy ra trong giao dịch thanh toán điện tử là tới từ phía người dùng cuối chưa có đủ nhận thức về tính an toàn thông tin, tính bảo mật trên các thiết bị của bản thân mình, cũng như cách họ sử dụng và vận hành không gian mạng. Do đó, việc khuyến nghị người dùng cần nâng cao cảnh giác tự phòng vệ đang được các tổ chức cung cấp dịch vụ liên tục cảnh báo trong thời gian gần đây. Khách hàng nên đổi mật khẩu giao dịch trực tuyến ít nhất 3 tháng 1 lần, hoặc có thể đổi thường xuyên hơn nếu có thể. Mật khẩu đặt lệnh phải khác biệt với mật khẩu đăng nhập và nên được thay đổi thường xuyên để đảm bảo an toàn.

Nhằm bảo vệ người dân và khách hàng, cơ quan chức năng đã phát triển trang thông tin, xử lý tin nhắn SMS rác, lừa đảo (tại địa chỉ chongthurac.vn); phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ: canhbao.khonggianmang.vn/canhbao.ncsc.gov.vn) để người dân có thể phản ánh các vấn để gặp phải về an toàn thông tin.