Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm chất lượng xăng dầu

Trong thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu còn diễn biến phức tạp. Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, xác định đây là mặt hàng được ưu tiên lựa chọn kiểm tra, thanh tra hàng đầu, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về pha trộn, tiêu thụ xăng dầu giả, kém chất lượng, qua đó giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Qua thanh tra, kiểm tra thực tế cho thấy, còn nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhập khẩu xăng dầu chưa thực hiện đúng các quy định về đo lường, chất lượng, sản xuất, pha chế trái phép xăng dầu kém chất lượng, xăng dầu giả đưa vào lưu thông…

Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng; phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu).

Mới đây nhất, một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải các bài viết, hình ảnh về việc Trạm xăng dầu Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 28 (đường Bùi Văn Hòa, Khu phố 6, phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có dấu hiệu vi phạm pháp luật, “móc túi” nhiều khách hàng bằng chiêu trò bơm nối số.

Ngay sau đó, ngày 24/5, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn yêu cầu Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai khẩn trương xác minh, kiểm tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh này. Qua làm việc, các nhân viên thừa nhận việc có việc bơm xăng nối số, không trả về 0 là vi phạm quy trình bán hàng.

Siết chặt kiểm soát, ngăn chặn gian lận trong kinh doanh xăng dầu
Quản lý thị trường kiểm tra trạm xăng dầu Công ty TNHH MTV Tổng công ty 28. Ảnh: TL

Cuối tháng 4 vừa qua, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện Cửa hàng xăng dầu, địa chỉ thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có dấu hiệu về tội lừa dối người tiêu dùng để thu lợi bất chính. Do đó đã chuyển giao toàn bộ hiện trường vụ việc, hồ sơ, liên quan đến việc kiểm tra để Công an huyện Thạch Thất tiếp tục khám xét, tiến hành điều tra xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt một cơ sở kinh doanh xăng dầu trên phố Ba Thá, xã Viên An (Ứng Hoà, Hà Nội) về hành vi niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng quy định.

Trước đó, trong tháng 3, lực lượng QLTT tỉnh Nam Định đã phát hiện một số cây xăng mua bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối, có nguy cơ không đảm bảo chất lượng xăng dầu và tiến hành xử phạt hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể: cửa hàng xăng dầu Hải Hưng thuộc Công ty TNHH MTV Đoàn Hải đã mua xăng của đối tượng ngoài hệ thống phân phối là Công ty TNHH Thương mại - xăng dầu Bình Minh Phát; cửa hàng xăng dầu Vượng Hân thuộc doanh nghiệp tư nhân Vượng Hân cũng đã mua xăng của đối tượng ngoài hệ thống phân phối là doanh nghiệp tư nhân Hồng Tiến…

Thông tin từ Cục QLTT tỉnh Thái Bình, trong tháng 5/2023, đơn vị này đã ra quyết định xử phạt đối với cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty TNHH xăng dầu Loan Nghĩa với vi phạm niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân phân phối xăng dầu quy định và thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm

Ngày 23/3 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã có Công văn số 548/TCQLTT-CNV về việc kiểm tra, xử lý vi phạm chất lượng xăng dầu. Cụ thể, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu hoặc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Siết chặt kiểm soát, ngăn chặn gian lận trong kinh doanh xăng dầu
Tăng cường kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu trong thời gian tới. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT yêu cầu các Cục QLTT các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu, theo đó phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn thực hiện kiểm tra, lấy mẫu xăng dầu để thử nghiệm, giám định về chất lượng. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình nguồn cung bị đứt gãy cục bộ để sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 15 đợt điều chỉnh, trong đó có 8 đợt tăng, 6 đợt giảm và 1 đợt giữ nguyên.

Theo điều chỉnh mới nhất, ngày 22/5 của liên Bộ Công thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.488 đồng/lít (tăng 357 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); xăng RON 95-III không cao hơn 21.499 đồng/lít (tăng 499 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu điêzen 0.05S không cao hơn 17.954 đồng/lít (tăng 301 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); dầu hỏa không cao hơn 17.969 đồng/lít (giảm 3 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.158 đồng/kg (tăng 296 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).

Ngoài ra, Tổng cục QLTT cũng chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc cam kết trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn để tuyên truyền, cảnh báo người tiêu dùng về các nguy hiểm trong tiêu thụ, sử dụng xăng dầu giả, kém chất lượng…

Chia sẻ về kế hoạch thời gian tới, lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết, từ nay đến cuối năm 2023, xác định mặt hàng xăng dầu vẫn trong “tầm ngắm”, lực lượng QLTT sẽ tập trung thanh kiểm tra các giấy tờ có liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, việc ghi thông tin trên các cột đo xăng dầu, giấy chứng nhận, giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh, vận chuyển xăng dầu.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động mua, bán xăng, dầu theo hệ thống phân phối; giao, nhận tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu; hợp đồng mua, bán xăng dầu, hợp đồng nhận quyền bán lẻ xăng dầu; tiến hành lấy mẫu xăng dầu gửi tổ chức được cơ quan có thẩm quyền chỉ định thử nghiệm, giám định chất lượng; kiểm tra tính hợp pháp của xăng dầu trong quá trình vận chuyển, kinh doanh; hành vi về đầu cơ, găm hàng; các quy định khác của pháp luật về kinh doanh, vận chuyển xăng dầu…/.