Sử dụng công cụ thuế để chống đầu cơ bất động sản

Các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng thuế suất cao sẽ giúp giảm thiểu tình trạng mua bán bất động sản theo kiểu đầu cơ và “lướt sóng”. Ảnh: TN

Đánh thuế bất động sản để tránh lãng phí, đầu cơ

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, tháng 12/2022, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Tư pháp báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Thuế bất động sản (BĐS).

Liên quan đến Luật Thuế BĐS được dư luận quan tâm, mới đây, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh qua Ban Dân nguyện. Theo đó, để tạo công bằng cho người dân và xử lý triệt để việc lợi dụng chính sách để trục lợi, đầu cơ đất đai trong nhiều năm qua, cử tri đề nghị đánh thuế đối với các tập thể, cá nhân có quyền sử dụng từ BĐS thứ hai và đánh thuế cao đối với những BĐS bỏ trống, không thu được giá trị từ đất để tránh lãng phí, đầu cơ tăng giá đất làm mất công bằng xã hội.

Phản hồi ý kiến cử tri, theo Bộ Tài chính, hiện nay hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí đối với BĐS về cơ bản đã bao quát khá đầy đủ các khoản thu liên quan đến BĐS phát sinh trong cả ba giai đoạn: Xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS; sử dụng, khai thác BĐS; chuyển nhượng BĐS.

Thuế giúp thị trường bất động sản ổn định trở lại

Các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng thuế suất cao hơn đối với các giao dịch này sẽ giúp giảm thiểu lợi nhuận thu được từ việc mua bán bất động sản (BĐS) theo kiểu đầu cơ và “lướt sóng”. Khi lợi nhuận không còn cao, nhiều nhà đầu tư có thể từ bỏ việc đầu cơ và kiếm chênh lệch ngắn hạn. Điều này có tiềm năng giúp ổn định lại thị trường BĐS, đặc biệt là trong những thời kỳ bất ổn như thời gian qua.

Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện hành đã có quy định thu thuế lũy tiến đối với trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất (cộng dồn diện tích để tính thuế theo biểu lũy tiến là 0,03% đối với diện tích trong hạn mức; 0,07% đối với diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức; 0,15% đối với diện tích vượt quá 3 lần hạn mức); áp dụng mức thuế suất 0,15% đối với đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế BĐS, trong đó có nghiên cứu về thuế đối với nhà ở thứ hai; thuế đối với nhà, đất bỏ trống, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến BĐS và đặt trong tổng thể Chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030.

Nêu quan điểm về sự cần thiết xây dựng Luật Thuế BĐS, ông Nguyễn Anh Minh - Văn phòng Luật NH Quang & Cộng sự cho rằng, thời gian qua, thị trường địa ốc đã xuất hiện những nhà đầu tư “lướt sóng” chỉ trong thời gian ngắn nhằm thu lợi nhuận, dẫn đến tình trạng tăng giá BĐS sau mỗi lần giao dịch, tạo ra tình trạng đầu cơ và có thể gây ra hiện tượng bong bóng BĐS.

Dùng công cụ thuế để điều tiết thị trường

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết, trong suốt thời gian qua, dư luận đã đề cập rất nhiều đến vấn đề khó khăn của thị trường BĐS Việt Nam, các doanh nghiệp BĐS, môi giới BĐS... rơi vào trạng thái suy yếu, kiệt quệ. Nhưng ít ai nghĩ được rằng, Chính phủ, các cơ quan, ban ngành cũng đang phải đối mặt với thách thức rất lớn trong nỗ lực vực dậy thị trường BĐS.

Tuy nhiên, để thị trường có thể đạt được những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt cần thêm nhiều các giải pháp thật sự cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính phủ, các bộ, ngành. Các hành động này phải thật nhanh, thật mạnh, thật dứt khoát và triệt để đến khi nào các vấn đề của thị trường được giải quyết hết mới thôi. Tránh tình trạng ngắt quãng, đứt đoạn khiến đà phục hồi bị mất. Cũng không nên coi nhẹ, gác lại bất cứ tồn đọng nào. Bởi lẽ, chỉ cần một tàn dư nhỏ, ấp ủ lâu dần cũng dễ khiến "ngọn lửa" bùng trở lại.

"Ngoài các lưu ý cho thị trường BĐS Việt Nam như đã trình bày ở trên, Chính phủ, các bộ ngành cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách theo hướng: Hoàn thiện hành lang pháp luật, đặc biệt là các công cụ tài chính BĐS. Cần có chính sách phát triển các kênh dẫn vốn mới như quỹ đầu tư BĐS (REIT), chứng khoán hóa BĐS…" - ông Đính nhấn mạnh.

Đưa ra lưu ý cho vấn đề xây dựng Luật Thuế BĐS, Chủ tịch VARS cho rằng, sử dụng công cụ thuế để điều tiết thu nhập, nắn chỉnh nguồn tiền và chống đầu cơ BĐS sẽ giúp thúc đẩy một thị trường BĐS phát triển bền vững, hiệu quả.

Theo VARS, có thể nghiên cứu đánh thuế BĐS theo thời gian nắm giữ với BĐS thứ 2 trở lên và áp thuế đối với BĐS đầu tư, giá trị cao. Tuy nhiên, để tránh trùng lặp, thuế chồng thuế và rủi ro khiến người dân bị “kiệt quệ” sức mua, dẫn đến các hệ lụy khác về lâu dài với nền kinh tế thì mức thuế suất phải nộp cần được nghiên cứu kỹ.

Đồng thời, để đánh thuế BĐS, trước hết định giá tài sản - hoạt động tốn kém hơn trong việc quản lý thuế định kỳ đối với BĐS và cũng có xu hướng là hoạt động gây ra nhiều vấn đề hành chính hơn. Tài sản cần được định giá định kỳ để theo kịp những thay đổi của thị trường nhà ở, áp dụng các phương tiện ước tính cơ sở thuế khác, tránh sai lệch trong lâu dài.

Bên cạnh đó, để giảm bớt tác động đột ngột của cải cách thuế, việc thực hiện cải cách thuế phải tiến hành dần dần. Những thay đổi đột ngột về nghĩa vụ thuế có thể dẫn đến những thay đổi không mong muốn trong việc phân bổ nguồn lực và khó tạo đồng thuận. Việc áp dụng thuế nên được tiến hành dần dần, bắt đầu với mức thuế suất thấp và tăng dần theo thời gian./.