Sử dụng hóa đơn điện tử
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Tiếp nhận và xử lý là hơn 5,12 tỷ hóa đơn điện tử

Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế đến ngày 15/9/2023, tổng số lượng hóa đơn điện tử (HĐĐT) toàn ngành đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,12 tỷ hóa đơn. Trong đó: HĐĐT có mã là 1,5 tỷ hóa đơn; HĐĐT không có mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là 1,336 tỷ hóa đơn; HĐĐT không mã gửi bảng tổng hợp là hơn 2,2 tỷ hóa đơn; hóa đơn theo từng lần phát sinh là hơn 1,1 triệu hóa đơn.

Cũng tính đến ngày 15/9/2023, đã có 32.108 doanh nghiệp (DN), cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng hóa đơn có mã khởi tại từ máy tính tiền là hơn 28,5 triệu hóa đơn, với 29.967 tỷ đồng doanh thu trên hóa đơn và số thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 1.860 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cũng đã triển khai HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo đó, ngày 1/7/2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã chính thức thực hiện giải pháp phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng tại hệ thống cửa hàng xăng dầu của tập đoàn trên toàn quốc.

Cùng với việc tổ chức vận hành hệ thống HĐĐT hoạt động an toàn hiệu quả phục vụ DN 24/7, ngày 24/4/2023, Tổng cục Thuế đã chính thức đưa vào vận hành, triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý HĐĐT”. Việc triển khai vận hành hệ thống giúp cơ quan thuế đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý thuế, quản lý hóa đơn góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh người nộp thuế (NNT) gian lận về hóa đơn.

Hiện nay Tổng cục Thuế đang tiến hành đối chiếu chênh lệch dữ liệu tờ khai thuế GTGT và dữ liệu HĐĐT nhằm khai thác số thuế kê khai thiếu của NNT, để yêu cầu kê khai bổ sung, qua đó bước đầu xác định NNT có rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn. Cùng với đó, Tổng cục Thuế đang khẩn trương rà soát, sửa đổi bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn và triển khai ứng dụng đưa ra danh sách cảnh báo ngưỡng chặn xuất hóa đơn (theo hệ số K), phục vụ công tác kiểm soát gian lận HĐĐT, ngăn chặn tình trạng xuất khống hóa đơn.

Thời gian tới, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thực hiện rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành HĐĐT; tiếp tục xây dựng, nâng cấp các ứng dụng giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung.

Hóa đơn điện tử thúc đẩy chuyển đổi số xã hội

Đánh giá về mặt tích cực của việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI, cho rằng đây là nỗ lực lớn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT. Nỗ lực này được cộng đồng DN đánh giá rất cao.

Chia sẻ tại hội thảo “Góp ý dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ”, tổ chức ngày 5/10 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định, HĐĐT đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Việc sử dụng HĐĐT trên cả nước đã góp phần hỗ trợ cơ quan thuế trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu HĐĐT cho các cơ quan khác của Nhà nước.

Với các DN, hộ kinh doanh, việc áp dụng HĐĐT góp phần làm giảm chi phí quản lý, sử dụng hóa đơn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, giảm thiểu nhiều rủi ro so với sử dụng hóa đơn giấy. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế áp dụng Nghị định 123 cũng bộc lộ một số vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, dự kiến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 123 sẽ tập trung vào 6 nội dung cơ bản gồm: sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc lập hóa đơn, thời điểm lập hóa đơn, nội dung hóa đơn, xử lý hóa đơn lập sai nhằm quy định minh bạch, tạo thuận lợi cho NNT thực hiện; bổ sung giải pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế gian lận khi DN đăng ký sử dụng hóa đơn và trong quá trình sử dụng HĐĐT; hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng biên lai, chứng từ điện tử; bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT, trách nhiệm của cán bộ thuế trong trường hợp đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định; hoàn thiện quy định về tra cứu, cung cấp sử dụng thông tin HĐĐT; hoàn thiện các biểu mẫu theo hướng đơn giản, minh bạch, dễ hiểu.

Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, quá trình thực hiện Nghị định 123 cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt, tình trạng mua bán, gian lận hóa đơn giả. Mặc dù ngành Thuế đã rất nỗ lực kiểm soát vấn đề này thông qua việc áp dụng AI, tuy nhiên vẫn cần thời gian để AI phát huy hiệu quả.

Việc sửa đổi Nghị định 123 là cần thiết, song phải đảm bảo thuận tiện, ít tốn thời gian, công sức của DN. Muốn vậy, việc sửa đổi bổ sung các quy định tại Nghị định 123 cần sự chung tay của cả cơ quan quản lý nhà nước và sự chủ động rà soát, góp ý các quy định của cộng đồng DN để kịp thời phản ánh, điều chỉnh.

Doanh nghiệp thu được lợi ích tối đa

Ngành Thuế luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), để đảm bảo các doanh nghiệp sẽ thu được lợi ích tối đa trong quá trình sử dụng HĐĐT, đảm bảo hạn chế các gian lận về hóa đơn để cùng chung tay xây dựng chính phủ điện tử góp phần phát triển kinh tế xã hội” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.