Sửa đổi quy trình kiểm soát ma túy sát với thực tiễn

Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trong công tác đấu tranh đẩy lùi ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế quy trình nghiệp vụ kiểm soát ma túy là yêu cầu cấp thiết, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác phòng, chống ma túy trong tình hình hiện nay. Qua đó, khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong Quy trình kiểm soát, bắt giữ, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của lực lượng Hải quan (Quy trình 2005) (ban hành theo Quyết định số 2005/QĐ-TCHQ ngày 30/9/2011).

Được biết, Quy trình 2005 được ban hành dựa trên cơ sở các văn bản pháp lý như Luật Hải quan năm 2005, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Đến nay, các văn bản này đã thay đổi và được thay thế bằng các luật và nghị định khác sát với yêu cầu thực tiễn hơn.

Lực lượng Hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa vận chuyển. Ảnh: Phương Thảo
Lực lượng Hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa vận chuyển. Ảnh: Phương Thảo

Do đó, mới đây, ngày 01/12/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 3131/QĐ-TCHQ về việc ban hành quy trình phát hiện, ngăn chặn, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của lực lượng Hải quan thay thế cho Quy trình 2005.

Lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu cho hay, quy trình mới ban hành quy định cụ thể, thống nhất về nguyên tắc, cơ chế, phương thức tổ chức thực hiện công tác thông tin, báo cáo; trình tự hóa các bước, các biện pháp nghiệp vụ cần bảo đảm thực hiện trong quá trình cơ quan Hải quan chủ trì và phối hợp đấu tranh phát hiện, ngăn chặn, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan do cơ quan Hải quan chủ trì hoặc phối hợp thực hiện.

Với nguyên tắc là bám sát các quan điểm chỉ đạo trong Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về phòng, chống ma túy, về hải quan và thực tiễn công tác kiểm soát, phòng, chống ma túy của ngành Hải quan sẽ điều chỉnh, bổ sung những quy định phù hợp, khả thi, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác phòng, chống ma túy của ngành Hải quan đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tình hình mới.

Cần giao quyền chủ động cho lực lượng chuyên ngành

Thực tế cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của ngành Hải quan trong những năm qua đã đóng góp không nhỏ vào kết quả chung của lực lượng phòng, chống ma túy.

Tuy nhiên, đến nay, ngành Hải quan cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai phòng, chống tội phạm ma túy. Đơn cử như các quy định về thẩm quyền và nhiệm vụ của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới còn hạn chế.

Mới đây, Bộ Công an đã khen thưởng Hải quan Quảng Trị về thành tích phòng, chống ma tuý. Cụ thể, từ ngày 28/7/2021 - 2/9/2021, Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị đấu tranh bắt giữ 4 vụ, 10 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 04kg ma túy tổng hợp dạng đá và hơn 22.200 viên ma túy tổng hợp.

Trong hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, cơ quan Hải quan đã trực tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội về ma túy trong địa bàn quản lý của hải quan, tiếp đó, chuyển giao hồ sơ, vụ việc cho cơ quan điều tra, Quá trình phối hợp thực hiện, đặc biệt liên quan đến công tác giám định và chuyển giao vụ việc ma túy giữa cơ quan Hải quan và lực lượng chức năng thời gian qua gặp một số vướng mắc, khó khăn dẫn đến một số vụ việc không được thực hiện, hiệu quả hạn chế. Trong quá trình tham gia ý kiến xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ quan Hải quan đã tích cực đề xuất bổ sung, điều chỉnh một số nội dung đưa vào văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tháo gỡ những hạn chế trên.

Có nhiều ý kiến cho rằng, để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (như: Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan) cần được giao và phát huy quyền chủ động, chủ trì trong khu vực, địa bàn quản lý để tránh tạo khoảng trống, song cũng khắc phục tình trạng chồng lấn trong triển khai công tác phòng, chống ma túy giữa các lực lượng chuyên trách.

Chia sẻ về kế hoạch hoạt động trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh cho biết, lực lượng Hải quan tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua và đặc biệt chú trọng các yếu tố then chốt nhằm đáp ứng triển khai thành công mô hình Hải quan số, Quản lý biên giới thông minh theo mục tiêu Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào 3 yêu cầu then chốt: nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và khai thác, sử dụng trang thiết bị chuyên dùng, chó nghiệp vụ phục vụ công tác phòng, chống ma túy.

Bên cạnh đó, lực lượng Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng chuyên trách về phòng, chống ma túy trong nước và quốc tế thông qua nhiều hoạt động thiết thực như: trao đổi thông tin về đối tượng, phương thức thủ đoạn của tội phạm ma túy, phối hợp điều tra, đấu tranh chuyên án bắt giữ ma túy...

Phòng, chống ma túy là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài

Hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng gia tăng tính chất phức tạp và nguy hiểm. Số vụ án, tội phạm và lượng ma túy bắt giữ ngày càng lớn với thủ đoạn tinh vi, manh động.

Trong bối cảnh đó, có thể thấy, phòng, chống ma túy (PCMT) là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Nhờ có Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy của Bộ Chính trị với nhiều nội dung mới có tính chiến lược, tính thực tiễn sâu sắc, xử lý nhiều vấn đề cấp bách mà trong những năm qua, công tác PCMT đã đạt những kết quả quan trọng.

Điển hình, thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW, công tác tuyên truyền đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là công tác phòng ngừa ma túy. Từ nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách PCMT, tuyên truyền về tác hại của ma túy, công tác phòng ngừa từng bước đổi mới như nâng cao chất lượng truyền thông phù hợp với từng đối tượng trong cộng đồng, công tác phòng ngừa đi sâu vào phổ biến giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy, từ đó tạo ra cơ chế phòng ngừa chủ động cho các nhóm xã hội.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, nhiều khó khăn, ách tắc trong công tác PCMT đã và đang được tháo gỡ. Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi, bổ sung) vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung chương về quản lý người sử dụng ma túy, công tác kiểm soát và quản lý ma túy bổ sung nhiều điều phù hợp với yêu cầu công tác quản lý ma túy hợp pháp, đổi mới và tháo gỡ nhiều nội dung về công tác cai nghiện. Luật Xử lý vi phạm hành chính đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, tạo các điều kiện thuận lợi cho công tác PCMT.

Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị là kim chỉ nam, là cơ hội để nâng cao hiệu quả công tác PCMT đáp ứng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và mong mỏi của nhân dân. Trong thời gian tới, còn rất nhiều công việc phải thực hiện để biến tinh thần Chỉ thị thành thực tiễn sinh động, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở.