Thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết, được tính vào chi phí được trừ
Về phần thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào chưa được khấu trừ hết, theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật Thuế GTGT hiện hành thì trường hợp doanh nghiệp có phần thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết và không thuộc trường hợp được hoàn thuế thì chưa có quy định cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Sửa Luật Thuế TNDN để bổ sung nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp. Ảnh: Tư liệu minh họa. |
Qua tổng kết đánh giá cho thấy, thực tế một số trường hợp số thuế GTGT đầu vào lớn hơn số thuế GTGT đầu ra và qua nhiều kỳ tính thuế vẫn chưa được khấu trừ hết như đối với trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% nhưng đầu vào chủ yếu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.
Về phần chi phí lãi vay không được trừ của khoản vay của các đối tượng không phải là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng, theo quy định hiện hành: “Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay” không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định này tại dự thảo Luật cho phù hợp thực tiễn. |
Đối với những trường hợp này, việc vừa không cho phép hoàn thuế GTGT và vừa không cho tính vào chi phí đã gây ra một số khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc lưu giữ chứng từ để theo dõi số thuế này trong nhiều năm, làm phát sinh chi phí cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Về nguyên tắc, các khoản thuế gián thu mà doanh nghiệp đã nộp thay cho người tiêu dùng nhưng không được khấu trừ hay hoàn thuế thì cần phải được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Để tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp, đảm bảo chính sách ngày càng rõ ràng, minh bạch và tạo thuận lợi trong thực hiện, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật thuế, Bộ Tài chính cho rằng, cần bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết nhưng không thuộc trường hợp hoàn thuế.
Cụ thể nội dung quy định tại dự thảo Luật như sau: “Phần thuế GTGT đầu vào đã được khấu trừ, thuế GTGT nộp theo phương pháp khấu trừ, thuế GTGT đầu vào của phần giá trị xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi vượt 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thuế, phí, lệ phí, thu khác và tiền chậm nộp theo pháp luật về quản lý thuế không được tính vào chi phí theo quy định của pháp luật.
Phần thuế GTGT nộp theo phương pháp khấu trừ quy định tại điểm này không bao gồm phần thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa được khấu trừ hết nhưng không thuộc trường hợp hoàn thuế. Số thuế GTGT đầu vào khi đã được tính vào chi phí được trừ thì không được khấu trừ với số thuế giá trị gia tăng đầu ra”.
Bổ sung khoản chi tài trợ cho văn hóa, phòng chống dịch bệnh
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Luật thuế TNDN hiện hành thì doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi tài trợ nói chung nhưng được tính vào chi phí được trừ đối với khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà cho các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật, khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Các doanh nghiệp tư nhân có đóng góp nhiều cho văn hóa, cần quy định khoản chi được trừ trước khi tính thuế TNDN. Ảnh: Tư liệu minh họa. |
Đối với khoản chi tài trợ, ủng hộ của tổ chức, doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, khoản chi tài trợ cho văn hóa, Luật Thuế TNDN hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 128/2020/QH14 và Nghị quyết số 43/2022/QH15, trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ (bằng tiền, hiện vật) của tổ chức, doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam và áp dụng trong kỳ tính thuế năm 2020, 2021 và 2022.
Trên thực tế, đối với lĩnh vực văn hóa, thời gian qua với sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã mang lại nhiều sắc màu tích cực, giúp làm phong phú thêm các giá trị văn hóa của đất nước, gia tăng sự lựa chọn của khán giả. Nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng đã bắt đầu tham gia vào các lĩnh vực hầu như không có lợi nhuận như bảo tàng, thư viện. Dù quy mô còn nhỏ hơn các bảo tàng, thư viện của Nhà nước, song lại được đánh giá là có sức hút lớn. Các lĩnh vực khác như mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm đều có sự tham gia của các tổ chức tư nhân.
Tuy nhiên, hiện nay việc các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia vào lĩnh vực văn hóa chủ yếu dưới hình thức vì lợi nhuận. Mô hình cung cấp sản phẩm văn hóa phi lợi nhuận vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Các nguồn tài trợ phi lợi nhuận chưa thực sự phát huy hiệu quả và các đơn vị cung cấp sản phẩm văn hóa phi lợi nhuận cũng rất khó tiếp cận. Một trong những nguyên nhân là chúng ta chưa có cơ chế pháp lý và chưa có các thiết chế tài chính phù hợp làm kênh dẫn dắt hoạt động này.
Để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện ổn định, tiếp tục động viên, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp chung tay với Nhà nước trong các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh, tài trợ cho phát triển văn hóa phù hợp với thực tế phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời các khoản chi này cũng có tính chất tương tự như tài trợ cho giáo dục, y tế, theo đó cần bổ sung tại dự thảo Luật.
Cụ thể, quy định cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi tài trợ, ủng hộ để phòng, chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh và khoản chi tài trợ cho lĩnh vực văn hóa, đồng thời giao trách nhiệm cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính quy định cụ thể việc thực hiện các khoản chi tài trợ được tính vào chi phí được trừ để đảm bảo chặt chẽ, tránh lợi dụng./.
Tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Nhìn chung, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về chi phí được trừ và không được trừ theo đề xuất nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi, minh bạch trong thực hiện, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế theo định hướng của Đảng và Nhà nước, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. |