Cụ thể, báo cáo vĩ mô mới nhất của ACBS Research về tác động của bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đến nền kinh tế Việt Nam chỉ ra rằng, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy cuộc đua sát sao giữa ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Kamala Harris được xem là sẽ tiếp nối di sản của Tổng thống Joe Biden, qua đó có thể giữ ổn định chính trị và kinh tế. Ngược lại, sự trở lại của Donald Trump, nếu đắc cử, sẽ tạo điều kiện cho ông tiếp tục các chính sách thương mại gây tranh cãi từ năm 2018, vốn đã làm gián đoạn quan hệ thương mại quốc tế.
Về kinh tế Mỹ, Trump chủ trương giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp và cá nhân, cùng với việc nới lỏng các quy định để khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Trong khi đó, Harris muốn tăng thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt nhắm vào giới giàu, đồng thời mở rộng phúc lợi cho người lao động nhằm giảm bớt bất bình đẳng thu nhập.
Trong chính sách kinh tế đối ngoại, Trump tiếp tục ủng hộ mở rộng chiến tranh thương mại và áp thuế nhập khẩu lên các quốc gia, đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc. Harris, tuy cùng quan điểm hạn chế thương mại với Trung Quốc, có cách tiếp cận chọn lọc hơn.
Cả hai ứng cử viên đều cần nguồn ngân sách lớn để thực hiện kế hoạch của mình, dự kiến sẽ khiến chi tiêu ngân sách quốc gia tăng cao và làm thâm hụt ngân sách liên bang trong những năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống.
Với Việt Nam, một nền kinh tế mở mà doanh thu thương mại chiếm 158% GDP, Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn nhất (xuất siêu 83 tỷ USD) và Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất (nhập siêu 49 tỷ USD), thì kết quả bầu cử Mỹ cũng sẽ có tác động đáng kể.
Nếu Trump áp dụng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Việt Nam, các ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, săm lốp, đồ gỗ, thép sẽ chịu áp lực lớn về thuế trong ngắn hạn và khó khăn dài hạn khi nhu cầu tại thị trường Mỹ giảm. Tuy nhiên, khó khăn này có thể được bù đắp phần nào nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu từ Trung Quốc. |
Về ngắn hạn, nếu Trump thắng cử và thực hiện các chính sách kinh tế của mình, VNĐ có thể đối mặt với áp lực mất giá lớn hơn do USD tăng giá. Điều này sẽ thu hẹp không gian chính sách tiền tệ của Việt Nam, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và lợi nhuận của ngành ngân hàng.
Về dài hạn, việc giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc là mục tiêu chiến lược trong chính sách của Mỹ gần đây. Do đó, xu hướng FDI từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam, dự kiến sẽ tiếp tục trong các năm tới, tạo động lực tăng trưởng FDI. Các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, vận tải và kho bãi sẽ hưởng lợi từ sản lượng hàng hóa gia tăng này.
Về tác động lên thị trường chứng khoán trong nước, ACBS Research nhận định chưa có đủ bằng chứng liên hệ giữa biến động của VN-Index với danh tính hay đảng phái của Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, khi quan sát VN-Index qua 4 kỳ bầu cử gần nhất, có hai xu hướng rõ rệt. VN-Index tăng ngắn và trung hạn sau bầu cử năm 2016 và 2020, trong khi cả hai lần đắc cử của Obama năm 2008 và 2012 lại chứng kiến sự giảm nhẹ ngắn hạn trước khi bật tăng mạnh trong trung hạn.
Do đó, lo ngại rằng chiến thắng của Trump hay Harris sẽ khiến VN-Index có diễn biến theo một hướng nhất định trong ngắn hạn dường như là không có cơ sở.
Tuy vậy, rủi ro ngắn hạn đối với VN-Index và thị trường chứng khoán nói chung có thể lớn hơn nếu Trump đắc cử, do sự không chắc chắn mà ông có thể mang lại cho môi trường kinh tế và tài chính toàn cầu. Thông thường, các thị trường chứng khoán xem sự bất định là tiêu cực trong giai đoạn đầu, trước khi đánh giá rõ hơn tác động thực sự của nó./.